Lãi suất cho vay, nước chảy chỗ trũng
Các ngân hàng thậm chí cho vay thấp hơn lãi suất huy động với khách hàng tốt, trong khi khá cẩn trọng với khách hàng có nguy cơ rủi ro cao hơn |
Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay cũng được áp dụng với rất nhiều mức khác nhau. Với các khách hàng tốt, ngân hàng phải cạnh tranh thu hút, thậm chí phải chấp nhận cho vay thấp hơn huy động, trong khi rất ngần ngại với khách hàng có nguy cơ rủi ro bởi lo ngại nợ xấu. Chính vì vậy, tình trạng “nước chảy chỗ trũng” đang diễn ra khi người không cần thì tới tấp được mời chào cho vay, còn người cần vốn thì bị xét nét rất kỹ càng.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại khu vực phía Nam cho hay, mặc dù chi phí đầu vào khó giảm, song ngân hàng ông cũng phải tính toán để đưa ra các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi, nhất là đối với các doanh nghiệp tốt, với mức lãi vay nhiều khi còn thấp hơn cả huy động đầu vào.
“Chúng tôi luôn phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường tín dụng, vì không chỉ có việc mở rộng thị phần, mà quan trọng hơn chính là kiểm soát được chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu. Đây mới là mấu chốt của vấn đề lãi suất đầu ra, vì vậy, các khách hàng có ‘sức khỏe’ tốt luôn được chào đón mức lãi suất ưu đãi, nên có khi mức cho vay ra còn thấp hơn lãi suất huy động khoảng 7%/năm hiện nay”, vị tổng giám đốc trên nói.
Theo lãnh đạo các nhà băng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất được áp dụng với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, lãi suất cho vay áp dụng cho nhiều doanh nghiệp hiện chỉ còn 6-7%/năm đối với vốn ngắn hạn 3 tháng (cố định). Để có thể thu hút được khách hàng tốt, chiêu cạnh tranh chủ yếu của ngân hàng là lãi suất. Do đó, chưa cần đến động thái yêu cầu nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, trước đó, các ngân hàng thương mại đã phải giảm lãi suất để giữ khách hàng có lịch sử tín dụng tốt. Các doanh nghiệp mạnh luôn có lợi thế trong việc đòi hỏi lãi suất thấp. Tất nhiên, ngân hàng sẽ “bù” lại phần hụt lãi suất này sang các khách hàng có nguy cơ rủi ro cao hơn, nhất là đối với phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nêu quan điểm: “Chúng ta cũng cần hiểu rằng, với thời buổi cạnh tranh và cơ chế thị trường hiện nay thì không thể làm khác được. Tuy nhiên, cũng cần xem xét để có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn”.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt để giữ chân và thu hút nhóm khách hàng có sức khỏe tốt. Một số ngân hàng còn cho biết, đã cho vay với nhóm doanh nghiệp này, lãi suất thấp hơn cả huy động vốn. Song, bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiếp tục kêu lãi suất cao, còn phía ngân hàng cũng sợ không dám đẩy mạnh vốn cho vay các đối tượng này. Bởi thực tế, các ngân hàng dù cạnh tranh trong cho vay, nhưng luôn phải kiểm soát chặt rủi ro để hạn chế nợ xấu. Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng không giảm lãi suất cho phân khúc doanh nghiệp này. Theo ông Hải, tự thị trường sẽ điều chỉnh xu hướng lãi suất đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn vững, nên các nhà băng đủ tiền nhàn rỗi để đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của nền kinh tế, đồng thời tăng mua trái phiếu chính phủ. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện vẫn ở xu hướng giảm, khó tăng lên. Vì thế, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu có tăng thì chỉ có thể tăng chút đỉnh. Dù thông thường, nhu cầu vốn cuối năm gia tăng hơn các tháng trong năm, nên ngân hàng sẽ tăng huy động, nhưng ông Lịch cho rằng, nếu tăng lãi suất chỉ có thể tăng thêm mức khoảng 0,5-1%/năm.
Căn cứ vào tình hình lãi suất cho vay đối với tổng thể các ngành kinh tế, trong năm 2016 rất khó kéo giảm mức lãi suất trung, dài hạn thấp hơn thời điểm hiện nay, cho dù cơ quan điều hành ngân hàng đang kêu gọi nỗ lực giảm thêm lãi suất. Bởi nguồn huy động vốn trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng huy động, các ngân hàng cũng phải đang tính toán để cơ cấu lại các hạng tín dụng vào ngày 1/1/2017 khi giảm xuống tỷ lệ 50% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, giữ được ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay đã được xem là nỗ lực lớn.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán