|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãi ròng Dược Hậu Giang thấp nhất 7 quý

10:11 | 23/10/2023
Chia sẻ
Quý III, cả doanh thu thuần, biên lãi gộp và lợi nhuận sau thuế của Dược Hậu Giang đều thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của CTCP Dược Hậu Giang cho thấy doanh thu thuần giảm 5% so với cùng kỳ về 1.099 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp còn 46,9% so với mức 49,7% cùng kỳ năm ngoái.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Doanh nghiệp giải trình, tác động kinh tế khiến doanh thu giảm sút. Bên cạnh đó, công ty đang tăng cường marketing, đầu tư phát triển các sản phẩm mới nên chi phí hoạt động tăng trong kỳ. Kết quả, Dược Hậu Giang lãi sau thuế 166 tỷ quý III, giảm 37% so với cùng kỳ và thấp nhất từ quý I/2022.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 3.480 tỷ, lãi sau thuế đạt 790 tỷ, tăng lần lượt 4% và 5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và gần 77% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt, dù tốc độ tăng trưởng nhanh trong nửa đầu 2023, nhưng thị phần kênh OTC (thuốc bán kê đơn) của Dược Hậu Giang được dự báo giảm tốc khiến lợi nhuận tăng trưởng chậm trong nửa cuối 2023. Hiện tại phần lớn doanh thu của công ty đến từ kênh OTC với tỷ trọng lên tới 87% hàng sản xuất.

Trong dài hạn, dư địa tăng trưởng doanh thu trên kênh ETC (kênh bệnh viện) của Dược Hậu Giang được dự báo là rất lớn, trong bối cảnh môi trường chính sách thuận lợi.

Hiện tại, nhóm kháng sinh và giảm đau hạ sốt chiếm tỷ trọng trên 50% hàng sản xuất, vì vậy Dược Hậu Giang cần phải đầu tư tiêu chuẩn cao nhà máy Betalactam (kháng sinh). Điều này sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh trên kênh ETC, vốn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

Thị trường xuất khẩu của Dược Hậu Giang cũng nhiều kỳ vọng với sự hỗ trợ của cổ đông Taisho - công ty dược phẩm có thị phần lớn nhất kênh OTC tại Nhật Bản.

Về tình hình tài chính, cuối kỳ, tổng tài sản của Dược Hậu Giang đạt hơn 5.989 tỷ, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với hơn 2.357 tỷ.

Hàng tồn kho ở mức 1.574 tỷ và các khoản phải thu ngắn hạn trên 656 tỷ, tăng lần lượt 26% và 19% so với ngày 1/1, trong đó đã trích lập 40 tỷ dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Ở phía nguồn vốn, dư nợ đi vay hoàn toàn là ngắn hạn từ ngân hàng với gần 760 tỷ đồng, gấp 6,6 lần đầu năm. Vốn chủ sở hữu xấp xỉ 4.593 tỷ, gấp 3,3 lần nợ phải trả.

Minh Hằng