Là ông lớn công nghệ Mỹ duy nhất được hoạt động tại Trung Quốc, tại sao LinkedIn lại quyết dứt áo ra đi sau 7 năm?
Tuyên bố mới nhất của LinkedIn đánh dấu quá trình rút lui mới nhất của một trong số ít các công ty công nghệ lớn của Mỹ vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như LinkedIn cũng ấp ủ một kế hoạch mới thay vì hoàn toàn từ bỏ thị trường tuyển dụng nhiều cơ hội ở đất nước tỷ dân này.
Thách thức chính sách khiến LinkedIn rút lui khỏi Trung Quốc
Ông Mohak Shroff, Phó Chủ tịch cấp cao về kỹ thuật của LinkedIn đã xác nhận thông tin này. Ông cho biết trong một bài đăng trên blog hôm 14/10 rằng nền tảng kết nối nhân sự, nghề nghiệp do Microsoft sở hữu, đã đưa ra quyết định đóng cửa tại Trung Quốc vì "môi trường hoạt động có nhiều khó khăn hơn và các yêu cầu tuân thủ các quy định ngặt nghèo hơn".
Thay vào đó, công ty sẽ tung ra một nền tảng mới có tên là InJobs vào cuối năm nay, một cổng thông tin chỉ dành cho Trung Quốc sẽ "không bao gồm nguồn cấp dữ liệu xã hội hoặc khả năng chia sẻ bài đăng hay bài viết nào". Nói cách khác, InJobs của LinkedIn sẽ chỉ đóng vai trò như một cổng thông tin để liệt kê cơ hội việc làm và nộp đơn xin việc.
Ông Shroff nói: “Mặc dù chúng tôi đã thành công trong việc giúp người tìm việc ở Trung Quốc tìm được việc làm và có cơ hội kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên, chúng tôi không thấy mức độ thành công tương tự trong các khía cạnh xã hội của việc chia sẻ và cập nhật thông tin”.
Hoạt động ở Trung Quốc luôn là thách thức đối với các công ty tư nhân, dù là công ty trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, các “đinh vít” đã được thắt chặt thêm nữa trong năm qua dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một loạt những quy định mới được áp dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực những tháng gần đây được ước tính đã xóa sổ khoảng 3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
LinkedIn đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 2014. Sự hiện diện của nó ở quốc gia này, nơi có hơn 45 triệu người dùng rất đáng chú ý vì nhiều mạng xã hội phương Tây khác, bao gồm Facebook và Twitter đều bị chặn bởi tường lửa khổng lồ Great Firewall.
Microsoft có lịch sử hoạt động lâu đời tại Trung Quốc, gia nhập thị trường từ năm 1992. Phần mềm của hãng được chính phủ và các công ty Trung Quốc sử dụng rộng rãi và công cụ tìm kiếm Bing của hãng cũng được cho phép truy cập (trong khi Google đã bị loại bỏ trong nhiều năm).
Đầu năm nay, LinkedIn đã tạm ngừng đăng ký người dùng mới ở Trung Quốc để "đảm bảo chúng tôi vẫn tuân thủ luật pháp địa phương", theo một người phát ngôn vào thời điểm đó. Công ty từ chối tiết lộ về luật pháp địa phương mà họ đang phải tuân theo.
Ông Shroff cho biết trong tuyên bố mới nhất: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc vận hành một phiên bản LinkedIn được bản địa hóa ở Trung Quốc có nghĩa là phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc trên các nền tảng internet.
Mặc dù chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng tôi cũng cần phải thực hiện cách tiếp cận này để tạo ra giá trị cho các thành viên của chúng tôi ở Trung Quốc và trên toàn thế giới". LinkedIn sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc "để giúp họ tạo ra cơ hội kinh tế", ông nói thêm.