|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế toàn cầu đang trên đà khởi sắc?

22:35 | 27/03/2017
Chia sẻ
Các dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu quả là đáng khích lệ, nhưng liệu chúng có đáng tin cậy?
kinh te toan cau dang tren da khoi sac
Ảnh minh họa

Năm nay dường như là lần đầu tiên kể từ năm 2010, các nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển đập chung một nhịp điệu tăng trưởng. Trong 6 tháng qua, hoạt động kinh tế đã trở nên nhộn nhịp, có thể thấy rõ nhất ở các nền kinh tế xuất khẩu châu Á. Xuất khẩu của Hàn Quốc, chẳng hạn, đã tăng 20% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước châu Âu và Mỹ cũng chứng kiến sự phục hồi.

Thậm chí, có những dấu hiệu cho thấy cuộc suy thoái ở 2 trong số những thị trường mới nổi lớn nhất, Nga và Brazil, đang dần chấm dứt. Lạm phát tại cả 2 nước này đều giảm xuống, giúp phục hồi sức mua tiêu dùng. Tại Nga, lạm phát giảm còn 4,6% vào tháng 2, từ mức đỉnh 16,9% cách đây 2 năm. Ấn Độ và Indonesia cũng phục hồi nhanh chóng với GDP tăng trưởng khá tốt.

Những dấu hiệu mạnh mẽ nhất đến từ khu vực sản xuất. Khảo sát chỉ số các nhà quản trị mua hàng ở Mỹ, khu vực đồng euro và châu Á đều cho thấy các nhà máy đang ngày càng bận rộn hơn (xem biểu đồ). Chi tiêu doanh nghiệp vào máy móc, thiết bị cũng đang khởi sắc. Một thước đo do các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase xây dựng dựa vào lượng tư liệu sản xuất bán ra cho thấy chi tiêu vào máy móc thiết bị trên toàn thế giới đã tăng với tốc độ hằng năm 5,25% trong quý cuối cùng của năm 2016.

Tin tốt lành không chỉ dừng ở khu vực sản xuất. Các nhà tuyển dụng Mỹ (không tính các trang trại) đã gia tăng thêm 235.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức trung bình gần đây. Chỉ số niềm tin kinh tế của Ủy ban Châu Âu, dựa trên các khảo sát về các ngành dịch vụ, các nhà sản xuất, nhà xây dựng và người tiêu dùng, cũng ở mức cao kể từ năm 2011.

Sau một quý IV khả quan, Ngân hàng Trung ương Nhật đã nâng dự báo tăng trưởng trong năm tài chính hiện tại từ 1% lên 1,4%. Những thái độ lạc quan như vậy đã đặt ra 2 câu hỏi lớn: Động lực nào đằng sau sự hồi phục này? Liệu đà phục hồi này sẽ được duy trì?

kinh te toan cau dang tren da khoi sac

Sự phục hồi này cần phải nhìn lại những tháng đầu của năm ngoái khi thế giới tránh được một thảm họa có thể xảy ra. Cuối năm 2015, các thị trường chứng khoán đã chao đảo do những nỗi lo ngại mới về nền kinh tế Trung Quốc.

Giá đầu vào sản xuất bắt đầu giảm sâu hơn. Và cũng có những nỗi quan ngại Trung Quốc có thể buộc phải phá giá đồng nội tệ mạnh. Một đồng nhân dân tệ rẻ hơn có thể giúp các ngành bị thừa cung của nước này có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, giúp cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp và có nguồn thu để trả lãi cho các món nợ đang phình to.

Tình trạng giảm phát sản xuất có nguy cơ lan rộng ra khắp thế giới, buộc các đối thủ phải cắt giảm giá hoặc phá giá đồng nội tệ như một cách đối phó với mối đe dọa này. Nỗi lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu đã đẩy giá nguyên vật liệu về mức thấp nhất kể từ năm 2009. Giá dầu có thời gian đã giảm về mức dưới 30 USD/thùng. Điều đó đã khiến tình hình ở Brazil và Nga càng thêm tồi tệ trong khi 2 nền kinh tế này đã chìm sâu vào suy thoái.

Để ổn định đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài đang tháo chạy, Trung Quốc đã bỏ ra 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối trong tháng 11.2015 đến tháng 1.2016. Các biện pháp kiểm soát vốn đã được siết chặt hơn để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài. Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay.

Phần lớn số tiền này chảy vào bất động sản: giá nhà đã tăng mạnh, lần đầu tiên tại các thành phố lớn và sau đó là ở các nơi khác. Thuế tiêu dùng đánh vào các xe hơi nhỏ cũng được giảm phân nửa. Rõ ràng gói kích thích kinh tế cộng với các biện pháp kiểm soát vốn đã phát huy tác dụng.

Không lâu sau đó, giá nguyên vật liệu đã có sự cải thiện. Giá quặng sắt đã tăng 19% chỉ trong 1 ngày hồi đầu tháng 3. Giá dầu đã tăng trở lại trên mức 50 USD/thùng (dù có giảm trong thời gian gần đây). Đến cuối năm ngoái, chỉ số lạm phát giá sản xuất tại Trung Quốc và khắp châu Á đã dương trở lại. GDP danh nghĩa của Trung Quốc cũng tăng tốc.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới vốn dĩ áp dụng nhiều biện pháp trước đó để ngăn đà giảm phát toàn cầu nay đã thở phào nhẹ nhõm. Vào ngày 9.3, Mario Draghi, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố rủi ro giảm phát “phần lớn đã biến mất”.

kinh te toan cau dang tren da khoi sac

Khi những mối lo ngại về Trung Quốc và giảm phát lùi dần, niềm tin cũng bắt đầu quay trở lại. Sự khởi sắc trong giá sản xuất và lợi nhuận đã khuyến khích hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên khắp thế giới. Trong quý IV/2016, chi tiêu doanh nghiệp tại Nhật đã tăng với tốc độ hằng năm 8%, theo số liệu GDP chính thức.

Gartner dự đoán vào tháng 12 năm ngoái rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ gia tăng chi tiêu vào công nghệ thông tin khoảng 2,7% trong năm 2017, tăng từ mức 0,5% của năm 2016. John Lovelock, chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Gartner, cho rằng mức tăng chi tiêu mạnh nhất sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu quả là đáng khích lệ, nhưng liệu chúng có đáng tin cậy? Trong quá khứ, từng có nhiều lần lạc quan về nền kinh tế toàn cầu nhưng rồi cũng bị dập tắt. Trong năm 2010, đà phục hồi sau cuộc suy thoái kéo dài ở các nước phát triển đã sớm nguội lạnh bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro.

Ngay khi châu Âu chật vật gượng dậy từ cuộc suy thoái vào giữa năm 2013, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu sẽ giảm quy mô chương trình mua lại trái phiếu và tiến tới ngưng hẳn đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi. Dù rằng nỗi hoảng loạn chỉ trong vài tháng nhưng đã để lại dư chấn. Đó là viễn cảnh thắt chặt tiền tệ ở Mỹ đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung tín dụng trên các thị trường mới nổi.

Tình trạng này càng tồi tệ vào năm 2014 khi giá dầu giảm từ mức hơn 100 USD/thùng xuống còn một nửa chỉ trong vài tháng. Giá của các nguyên vật liệu công nghiệp khác cũng bắt đầu đi xuống. Đầu tư sụt giảm ngay sau đó cũng đủ để kéo các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn như Brazil và Nga vào suy thoái.

Nga và Brazil nay đã có những dấu hiệu khởi sắc. Và những nền kinh tế khác cũng gần lấy lại đà tăng trưởng. Thế nhưng những mối đe dọa tăng trưởng vẫn còn đó. Có thể thấy, lạm phát lõi (không tính năng lượng và thực phẩm) vẫn còn thấp: chưa quốc gia phát triển nào đạt được mục tiêu lạm phát 2% của các ngân hàng trung ương, vốn được xem là cần thiết cho đà phục hồi chu kỳ “bình thường”. Mỹ tiến gần nhất đến mục tiêu đó, với lạm phát lõi 1,7%. Tại châu Âu, lạm phát lõi vẫn còn dưới 1% với tốc độ tăng lương khoảng 1,3% năm ngoái.

Tăng trưởng năng suất chậm lại thời hậu khủng hoảng vốn tác động cả các nước phát triển lẫn đang phát triển vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đó, nợ vẫn đang gia tăng ở Trung Quốc, có thể làm chao đảo các thị trường. Nhiều người cũng lo ngại FED có thể siết chặt tiền tệ quá nhanh, làm đẩy cao giá trị đồng USD và đe dọa đà phục hồi của các thị trường mới nổi. Xu hướng bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump đang dựng lên cũng là một rào cản khác... Dẫu vậy, không ít người hy vọng một đà phục hồi mang tính chu kỳ có thể giúp thế giới vượt qua những thách thức này.

Đàm Hoa