|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế thế giới trước nỗi lo giá dầu tăng lên 100USD/thùng

09:20 | 30/04/2019
Chia sẻ
Giá dầu thô tăng nhanh đang tạo ra một cơn gió ngược khác cho nền kinh tế thế giới sau khi Mỹ cấm các nước nhập khẩu dầu từ Iran.
Kinh tế thế giới trước nỗi lo giá dầu tăng lên 100USD/thùng - Ảnh 1.

Ảnh: Economist.

Giá dầu thô tăng nhanh đang tạo ra một cơn gió ngược khác cho nền kinh tế thế giới sau khi Mỹ cấm các nước nhập khẩu dầu từ Iran.

Tuần trước, chính quyền Trump đã tuyên bố không gia hạn quyền miễn trừ trừng phạt cho một số nước nhập khẩu dầu từ Iran kể từ đầu tháng 5.

Giá dầu Brent đã tăng khoảng 40% trong năm nay và ở mức cao nhất trong sáu tháng. Trong khi nhu cầu dầu tăng lên (khiến giá tăng lên) thường phản ánh một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ, một cú sốc từ nguồn cung bị hạn chế là cũng có thể gây ra hiệu hứng tiêu cực.

Các hệ quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc đà tăng mạnh này sẽ duy trì trong bao lâu. Các quốc gia xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc doanh thu của công ty và chính phủ sẽ tăng lên, trong khi các quốc gia tiêu thụ sẽ chịu chi phí nhiều hơn có khả năng làm tăng lạm phát và làm tổn thương nhu cầu. Cuối cùng, có một mức giá dầu cao khiến cho tất cả các nước đều chịu thiệt.

Kinh tế thế giới trước nỗi lo giá dầu tăng lên 100USD/thùng - Ảnh 2.

Diễn biến giá dầu Brent. Ảnh: Bloomberg. Bloomberg đã dự báo về một số tác động khi giá dầu tăng lên 100USD/thùng.

1. Nó có ý nghĩa gì đối với tăng trưởng toàn cầu?

Tác động sẽ khác nhau. Giá dầu tăng sẽ làm tổn hại thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình và có thể làm tăng lạm phát. Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ dễ bị tổn thương khi giá dầu tăng mạnh và nhiều nước ở châu Âu cũng phụ thuộc năng lượng nhập khẩu.

Hiệu ứng theo mùa cũng sẽ tác động. Khi mùa hè ở Bắc Bán cầu đang đến gần, người tiêu dùng có thể chuyển đổi sang các nguồn năng lượng khác và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một nền kinh tế thế giới chậm lại cũng sẽ làm tổn thương nhu cầu nhiên liệu.

2. Làm thế nào nền kinh tế thế giới có thể hấp thụ dầu ở mức giá 100USD/thùng?

Để có thể tạo ra tác động dài hơi lên tăng trưởng, các nhà kinh tế cho rằng giá dầu sẽ cần phải duy trì trên 100 USD/thùng. Nó cũng phụ thuộc vào sức mạnh hoặc sự yếu kém của đồng USD, do dầu thô được định giá bằng đồng bạc xanh. Phân tích của Oxford Economics cho thấy giá dầu Brent ở mức 100 USD/thùng vào cuối năm 2019 sẽ khiến GDP toàn cầu vào cuối năm 2020 giảm 0,6% so với dự báo hiện tại, và lạm phát trung bình tăng thêm 0,7 điểm phần trăm.

“Chúng tôi thấy rủi ro gia tăng xuất phát từ việc giá dầu cao hơn đáng kể”, hai nhà kinh tế của Oxford là John Payne và Gabriel Sterne đã viết trong một ghi chú. “Trong ngắn hạn, nhiều khả năng tác động từ nguồn cung sẽ được bù đắp bằng sản lượng tăng thêm ở nơi khác, nhưng thị trường đang thắt chặt và chỉ cần một cú sốc nữa với nguồn cung thì giá dầu có thể đạt tới 100 USD/thùng”.

3. Iran và ông Trump sẽ tác động đến thị trường như thế nào?

Việc Mỹ cấm các nước nhập khẩu dầu từ Iran có thể tiếp tục có tác động lớn đến các thị trường tài chính, vì nguồn cung dầu bị ảnh hưởng lên tới 800.000 thùng/ngày. Những bất ổn xung quanh nguồn cung đã khiến thị trường dầu mỏ chao đảo và hệ quả là các thị trường khác cũng trở nên bất ổn.

Cùng với Ả rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), ông Trump đã cam kết giúp đỡ những nước hiện đang nhập khẩu dầu từ Iran. Nhưng giới phân tích cho rằng điều này là không khả thi vì sản lượng hằng ngày của Mỹ cho loại dầu thô tương tự hiện chỉ bằng 1/4 sản lượng của Iran.

4. Ai hưởng lợi từ giá dầu tăng cao hơn?

Các nền kinh tế mới nổi thống trị danh sách các quốc gia sản xuất dầu và đó là lý do tại sao họ bị ảnh hưởng nhiều hơn các quốc gia phát triển. Việc tăng nguồn thu từ dầu sẽ giúp cải thiện ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai, cho phép các chính phủ tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy đầu tư. Người hưởng lợi bao gồm Ả Rập Saudi, Nga, Na Uy, Nigeria và Ecuador, theo phân tích của Nomura.

5. Ai thiệt hại?

Những nền kinh tế mới nổi chịu thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa có nguy cơ hứng chịu làn sóng rút vốn đầu tư nước ngoài lớn và đồng tiền yếu đi, từ đó sẽ gây ra lạm phát. Điều đó sẽ buộc các chính phủ và ngân hàng trung ương phải đứng trước những chọn khó khăn: tăng lãi suất ngay cả khi tăng trưởng chậm lại hoặc phớt lờ lạm phát và chịu rủi ro dòng vốn tháo chạy. Theo Nomura, các nước thiệt hại có thể bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Ấn Độ.

6. Điều đó có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Trong khi các nhà sản xuất dầu của Mỹ cố gắng tận dụng việc cấm nhập khẩu dầu tư Iran để tăng doanh thu, thì trên một bình diện rộng lớn hơn, nền kinh tế Mỹ có thể không hưởng lợi nếu giá dầu lên tới 100 USD/thùng.

Đó sẽ là cú sốc đối với người tiêu dùng Mỹ, dù tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định. Giá nhiên liệu tăng có thể làm suy yếu doanh số bán lẻ.

Và nếu mọi thứ trở nên tồi tệ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhiều khả năng thế giới sẽ lại chỉ trích nước Mỹ vì các lệnh trừng phạt, điều đó có thể đồng nghĩa với những phản ứng dữ dội thông qua đầu tư hoặc các kênh khác, đe dọa sự ổn định kinh tế.

7. Nó sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn trên toàn thế giới?

Bởi vì vai trò nổi bật của giá năng lượng trong các thước đo giá tiêu dùng, các nhà hoạch định chính sách đều muốn hướng đến một thước đo giá tiêu dùng cốt lõi, loại bỏ giá năng lương. Nhưng nếu giá dầu tăng lên tạo ra hiệu ứng đáng kể và được duy trì, sự tăng giá đó sẽ được thể hiện qua giá vận chuyển và tiện ích.

8. Nó có ý nghĩa gì đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới?

Nối bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới,  chuyển trọng tâm sang nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ nền kinh tăng trưởng chậm lại mà đã không phải lo lắng về lạm phát. Trong tháng này, Quỹ tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cho biết thế giới đang ở trong một thời điểm nhạy cảm.


Mạnh Đức