|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc sẽ hạ lãi suất?

09:12 | 08/08/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc từ quý II năm nay, thị trường đang suy đoán rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ sớm giảm lãi suất cho vay cơ bản. Song, ông Hao Zhou, Giám đốc cấp cao của Commerzbank, cho rằng thị trường có thể sẽ thất vọng.

Kinh tế trên đà giảm tốc nhưng PBOC không thể hạ lãi suất để hỗ trợ?

Hiện tại, ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều lực cản hơn trong nửa cuối năm 2021. Đơn cử, chỉ số PMI sản xuất tháng 7 chỉ đạt 50,4 điểm, thấp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường.

Cùng lúc, biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng trên toàn quốc và chính quyền một số địa phương đã áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch. Điều này sẽ đè nặng lên lĩnh vực dịch vụ, một ngành hiện chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch bệnh.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng đang ra sức kiểm soát thị trường nhà ở và siết hoạt động dạy thêm. Do đó, ông Hao Zhou, chuyên gia kinh tế kiêm giám đốc cấp cao tại Commerzbank, cho rằng các lĩnh vực kinh tế liên quan cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Theo lẽ thường, Trung Quốc sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để phòng ngừa rủi ro kinh tế. Từ góc độ này, Bắc Kinh có thể sẽ cắt giảm lãi suất chính sách, theo South China Morning Post.

Song, ông Zhou cho rằng động thái cắt giảm lãi suất là rất khó xảy ra nếu chúng ta xem xét kỹ hơn các động lực chính sách hiện tại của đất nước tỷ dân.

Các nguyên nhân khiến PBOC khó nới lỏng chính sách

Tại cuộc họp tuần trước của Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của nước này, các quan chức đã nhấn mạnh rằng lập trường chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ không thay đổi trong các quý tới.

Tuyên bố của cuộc họp nêu rõ, chính sách tiền tệ của PBOC sẽ tiếp tục duy trì theo hướng "thận trọng" và "thanh khoản hợp lý". Thông điệp này được cho là lặp lại tuyên bố từng được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 4 năm nay.

Theo nhận định của giám đốc Hao Zhou, thị trường tài chính nên hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy khả năng PBOC cắt giảm lãi suất là không cao.

Khó khăn lớn nhất đối với ngân hàng trung ương Trung Quốc hiện nay là khối nợ phình to. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhiều lần tháo gỡ đòn bẩy tài chính để ngăn ngừa khối nợ tăng cao hơn.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ đáng báo động trở lại sau đợt nới lỏng chính sách tiền tệ hồi năm ngoái. Khối nợ của Trung Quốc vẫn ở mức cao khi tính đến cuối tháng 6 năm nay, nợ công tương đương 265% GDP, theo dữ liệu của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Mặc dù khối nợ đã giảm trong ba quý liên tiếp nhưng hiện vẫn cao hơn khoảng 10 điểm % so với trước đại dịch COVID-19, ông Zhou lưu ý.

Kinh tế Trung Quốc trên đà giảm tốc nhưng PBoC không thể hạ lãi suất để hỗ trợ? - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). (Ảnh: Bloomberg).

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn cảnh giác về thị trường nhà đất. Mặc dù chính quyền ông Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế giá bất động sản, thị trường này vẫn là một điểm nóng, đặc biệt là ở các thành phố ven biển.

Trong nửa đầu năm nay, doanh số bán căn hộ mới tính theo diện tích sàn ở Trung Quốc đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái cũng như vượt xa mức tăng trưởng GDP thực tế là 12,7%.

Từ góc độ của Bắc Kinh, thị trường nhà đất phát triển quá nóng không chỉ làm tăng nguy cơ nổ ra bong bóng mà còn khiến các cặp vợ chồng trẻ không muốn có con. 

Nhà đất, giáo dục và y tế được coi là "ba trở ngại" đối với giới trẻ Trung Quốc, và chi phí càng tăng cao càng khiến nhiều gia đình từ bỏ kế hoạch sinh thêm con.

Dù chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách ba con để giải quyết khó khăn về dân số, song hiệu quả của chính sách này phụ thuộc phần lớn vào việc "ba trở ngại" của giới trẻ có được loại bỏ hay không.

Do thị trường bất động sản chủ yếu được thúc đẩy bởi điều kiện của thị trường tài chính, Trung Quốc sẽ rất cảnh giác với việc bơm thêm tiền mặt vào thị trường này lần nữa, ông Zhou nhấn mạnh.

Yếu tố lạm phát cũng sẽ khiến PBOC phải cân nhắc kỹ lưỡng. Chỉ số CPI của Trung Quốc vẫn còn ở mức thấp, do đó ngân hàng trung ương nước này còn dư địa để hỗ trợ nền kinh tế.

Song, chỉ số PPI cao, vốn đang làm suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, lại là một mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách. Nếu PBOC nới lỏng chính sách, chẳng hạn như giảm lãi suất, giá hàng hóa và chỉ số PPI sẽ tăng cao hơn. Điều này buộc PBOC phải duy trì đường lối phù hợp để giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ.

Suy cho cùng, ông Hao Zhou cho rằng có rất ít khả năng rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ cho phép nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ để ngăn chặn đà sụt giảm của nền kinh tế.

Ở một mức độ nào đó, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị cho một chu kỳ giảm tốc trong nửa cuối năm nay, điểm mấu chốt là làm sao ngăn nền kinh tế lao dốc quá mạnh.

Khả Nhân

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.