|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Logistics đứt gãy, hàng hoá Trung Quốc bị chôn chân ở cảng, riêng Alibaba vẫn sống tốt nhờ nước đi ít ai ngờ tới

15:09 | 05/08/2021
Chia sẻ
Từ lâu, sản xuất hàng hóa với chi phí thấp tại quê nhà đã mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Song, giờ đây điều nay đang trở thành một bất lợi khi đại dịch và căng thẳng thương mại làm gián đoạn các kênh cung ứng hàng quốc tế.

Hệ thống logistics đứt gãy

Chia sẻ với CNBC, bà Fang Xueyu, Phó Chủ tịch phụ trách mảng marketing quốc tế của hãng thiết bị gia dụng Trung Quốc Hisense, cho biết nhiều hàng hóa của công ty này hiện không thể vận chuyển ra nước ngoài.

Giá cước vận chuyển container đã tăng gấp 5 lần từ khoảng 3.000 USD lên tới 15.000 USD/container, hơn nữa phải mất thêm một tuần so với bình thường để đưa lô hàng từ Trung Quốc đến châu Âu, bà Fang cho hay trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước.

Từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez vào tháng 3 cho đến các đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 tại một cảng biển lớn của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Châu hồi tháng 6, hoạt động logistics liên tục bị gián đoạn, gây ảnh hưởng nặng nề đến thương mại toàn cầu.

"Theo tôi, tình trạng đứt gãy ở châu Âu hay các nơi khác trên thế giới không thể gọi là hỗn loạn. Thay vào đó, thực tế cho thấy hệ thống logistics toàn cầu đang xuất hiện rất nhiều xáo trộn", ông Alexander Klose, Phó Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của hãng startup ô tô điện Aiways, nhận xét.

"Chúng tôi phải đặt lại container rồi phải lùi lịch hẹn vì không có sẵn tàu chở hàng hay container rỗng. Điều này chắc chắn đã ảnh hưởng đáng kể đến chúng tôi", ông Klose chia sẻ.

Đối với Aiways, một công ty sản xuất ô tô ở Trung Quốc và bán chúng sang châu Âu, ông Klose cho biết sự gián đoạn "đã khiến một số chuyến hàng bị trì hoãn hai, ba tháng vì ô tô phải xếp hàng chờ ở cảng, không thể vận chuyển đi đâu".

Logistics đứt gãy, hàng 'made in China' đành chôn chân ở cảng, riêng Alibaba vẫn sống tốt nhờ đi trước một bước - Ảnh 2.

Một con tàu hối hả rời Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô) vào lúc trời tờ mờ tối, ngày 22/7/2021. (Ảnh: Getty Images).

Nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất vẫn còn rất lớn, theo số liệu của doanh nghiệp lẫn dữ liệu chính thức.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 35,9% lên 233 tỷ USD, trong khi sang Mỹ nhảy vọt 42,6% lên 252,86 tỷ USD.

Hisense vẫn muốn mở rộng ra nước ngoài. Trong năm ngoái, bất chấp đại dịch COVID-19, hãng gia dụng này vẫn kiếm được 7,93 tỷ USD từ các khách hàng quốc tế. Đến năm 2025, Hisense đặt mục tiêu nâng con số lên 23,5 tỷ USD, tức tăng khoảng ba lần trong 5 năm.

Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lại đặt ra một thách thức mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang tham vọng tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo thông tin từ ông James Root, một đối tác của công ty tư vấn Bain, trong khoảng 3.400 doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động ở nước ngoài, chỉ khoảng 200 công ty đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD.

Lệnh cấm của Amazon, áp lực thuế và các rủi ro khác

Gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng ở nước ngoài còn phải đối mặt với áp lực mới từ cuộc truy quét của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đối với các đánh giá ảo.

Từ tháng 5, Amazon đã tăng cường trấn áp nạn đánh giá ảo, vấn nạn vốn rất phổ biến trên các trang thương mại điện tử. Theo đó, "chợ mạng" của tỷ phú Jeff Bezos sẽ tấn công vào các trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất trên nền tảng. Các thương nhân Trung Quốc chính là một trong các đối tượng thiệt hại nhiều nhất.

Bình luận về động thái của Amazon, ông Li Xinggan, quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Trung Quốc, từng cho hay: "Chúng tôi hiểu rằng một số hành vi của người bán đang bị coi coi là vi phạm 'Quy tắc Ứng xử của Đối tác' cũng như các quy định khác do Amazon ban hành..."

"Chúng tôi luôn yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và quy định của mỗi quốc gia, đồng thời tôn trọng phong tục tập quán của từng địa phương và phát triển hoạt động theo quy định của pháp luật", ông Li nói thêm.

Ngoài chính sách của Amazon, các thương nhân Trung Quốc cũng có thể phải chịu chi phí cao hơn sau khi EU thực hiện chính sách đánh thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu vào khối kinh tế chung.

Tờ People's Daily (Nhân dân Nhật báo - NV) từng nhận định: "Các thách thức về chính trị, kinh tế, quy định, logistics và nhân sự mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối diện khi ra nước ngoài đã gia tăng đáng kể".

"Trong những năm gần đây, do không xác định toàn diện các rủi ro và đề ra biện pháp phòng ngừa, nhiều công ty Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng lớn", bài báo của People's Daily có đoạn.

Alibaba vẫn sống tốt

Chiến lược lấn sân sang thị trường nước ngoài của Alibaba, ông lớn thương mại điện tử nội địa của Trung quốc, còn bao gồm việc đầu tư vào công ty logistics riêng, Cainiao.

Ông William Wang, tổng quản lý của ba thị trường Tây Ban Nha, Pháp và Italy của AliExpress (bộ phận kinh doanh thương mại điện tử quốc tế của Alibaba), cho biết thông qua mối quan hệ đối tác của Cainiao với các công ty vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, AliExpress có thể giữ vững nguồn cung ứng sang châu Âu.

Do đó, người bán trên AliExpress có thể đưa sản phẩm đến tay khách hàng mà không phải trả thêm phí hoặc bị chậm trễ. Dù vậy, vận chuyển bằng đường hàng không tốn kém hơn nhiều so các hình thức vận tải khác, khiến thương nhân khó lòng xuất khẩu xe ô tô hay các mặt hàng gia dụng lớn.

Đứng trước thách thức về logistics, trong tương lai, các doanh nghiệp đến từ đất nước tỷ dân được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng "bản địa hóa" ở thị trường quốc tế.

Các công ty thương mại điện tử đã và đang xây dựng hoặc thuê nhà kho gần khách hàng ở châu Âu, nhờ đó người bán có thể gửi trước sản phẩm để lưu kho tại đó. Sau khi khách đặt hàng, sản phẩm chỉ cần đi một quãng đường ngắn đến tay người tiêu dùng thay vì phải chuyên chở từ tận Trung Quốc sang.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, doanh nghiệp nước này đã xây dựng khoảng 100 nhà kho mới ở nước ngoài trong nửa đầu năm nay, sau khi tăng 800 kho vào năm ngoái.

Khả Nhân