Kinh doanh xăng dầu sướng nhất?
Tất nhiên, liên Bộ Tài chính - Công thương đã kèm theo các giải thích về sự "nhỏ giọt", bài viết này cũng không nói về sự hợp lý hay không hợp lý của mức giảm mà chỉ đưa ra một vài thắc mắc liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.
Thiếu công bằng với khách hàng
Với nguồn dự trữ sẵn có 1 tháng, các công ty xăng dầu hoàn toàn có thể tính toán để không tăng hoặc tăng ở mức thấp thay vì tăng vọt ngay khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng. Khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, cộng thêm cách tận dụng tối đa nguồn xăng dầu dự trữ mà ít ai để ý này, các công ty kinh doanh xăng dầu lợi lớn, còn khách hàng bị đối xử không công bằng.
Thực tế các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với bài toán tăng giá hay không tăng giá khi giá nguyên vật liệu tăng. Doanh nghiệp nào có nguồn nguyên liệu hay hàng hóa dự trữ từ khi giá thấp sẽ không tăng giá để công bằng với khách hàng. Những doanh nghiệp không có nguồn dự trữ cũng phải nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động để giữ giá, giữ khách. Tăng giá sẽ là giải pháp cuối cùng, sau khi sử dụng các giải pháp trên. Riêng xăng dầu thì ngược lại. Giá thế giới tăng là trong nước tăng. Nếu có tăng ít hơn thì cũng là "mỡ nó rán nó", trích quỹ bình ổn xăng dầu do người dân đóng góp chứ các công ty không cần nỗ lực, tính toán gì hết. Đó là lý do mỗi lần xăng dầu tăng giá hay giảm giá nhỏ giọt đều gây phẫn nộ cho dư luận.
Giảm nhập, tăng sử dụng xăng trong nước, sao vẫn tăng theo giá thế giới?
Thứ hai, theo Cục Hải quan TP.HCM, lần đầu tiên trong nhiều năm mặt hàng xăng không làm thủ tục nhập khẩu tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm. Lý do là các doanh nghiệp trong nước sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước. Thực tế, tháng 3 - 4 là thời điểm giá xăng thế giới hiện cao hơn giá xăng trong nước nên các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu là hoàn toán hợp lý. Tính chung cả nước trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3,07 triệu tấn và kim ngạch cũng giảm 33,1%, đạt 1,89 tỉ USD.
Sở dĩ chúng ta giảm mạnh nhập khẩu xăng dầu vì các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn hiện đáp ứng được hơn 30% nhu xầu xăng dầu trong nước. Nên nhớ, mục tiêu Việt Nam xây dựng các nhà máy lọc dầu là đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa, giảm và tiến tới không phải nhập khẩu để giá xăng dầu trong nước không chịu tác động của giá thế giới. Thế nhưng như nói trên, dù đã chủ động được 1/3 nguồn cung nhưng giá xăng bán ra cho người tiêu dùng thời gian qua vẫn liên tục tăng "theo giá thế giới".
Tất nhiên lượng xăng nhập chiếm tỷ lệ lớn nên đương nhiên giá trong nước vẫn phụ thuộc vào giá thế giới, nhưng cũng phải công khai tỷ lệ chủ động xăng dầu trong nước thực tế là bao nhiêu? Có thông tin là 30%, có thông tin chúng ta đã chủ động được 50%, vậy chính xác là bao nhiêu? Với tỷ lệ đó thì cơ cấu giá thay đổi thế nào? Có một số lý giải là do chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô về lọc nên giá xăng dầu sản xuất trong nước vẫn phải theo thị trường. Nên nhớ, chúng ta nhập nhưng cũng xuất khẩu dầu thô rất lớn? Vậy bài toán vừa xuất - vừa nhập khẩu dầu thô phải tính toán thế nào, cũng phải làm rõ để thấy được hiệu quả của cách điều hành, quản lý xăng dầu, mặt hàng thiết yếu hàng đầu hiện nay của các cơ quan có thẩm quyền.
Chứ lâu nay cứ "au-tu" giá xăng thế giới tăng thì giá trong nước nhảy vọt, giảm thì nhỏ giọt. Tăng - giảm gì thì các công ty kinh doanh xăng dầu vẫn đút túi khoản lợi nhuận định mức; vẫn kê cao gối ngủ dù giá nguyên liệu có biến động lớn - nhỏ đến đâu thay vì tính toán chi phí, hiệu quả để cạnh tranh giữ khách như tất cả các doanh nghiệp khác ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực.
Kinh doanh xăng dầu đúng là sướng nhất.