|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 cao kỷ lục, giá trong nước lập đỉnh mới

07:35 | 13/01/2024
Chia sẻ
Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% về lượng, nhưng kim ngạch tăng 4,6% lên mức kỷ lục 4,24 tỷ USD. Tại thị trường trong nước, giá cà phê đã lập đỉnh mới gần 71.000 đồng/kg ngay trong thời điểm thu hoạch vụ 2023-2024.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 207.613 tấn, trị giá 599,4 triệu USD, tăng mạnh 74% về lượng và 68% về trị giá so với tháng 11 trước đó, đồng thời tăng 5,4% về lượng và 40,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trong tháng cuối cùng của năm 2023 nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch 2023 - 2024 và nhu cầu ở mức cao từ các nhà nhập khẩu quốc tế.

Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của giá cà phê trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho ngành cà phê tiếp tục gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm.

Tính bình quân năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.

Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội của thị trường. Bởi theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI đã tăng tới 17,3% so với năm 2022 lên 1,7 tỷ USD. Ngược lại, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước giảm 2,6% xuống còn hơn 2,5 tỷ USD.

Thị phần của của doanh nghiệp FDI theo đó đã tăng lên mức 40% trong năm 2023 từ 36% của năm 2022. Trong khi, thị phần của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp xuống còn 60% từ mức 64% của năm trước đó.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan  

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga…

Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 600.548 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, chiếm 37% về lượng và 35% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, so với năm 2022 xuất khẩu cà phê sang thị trường này đã giảm 12,8% về lượng và giảm 0,7% về trị giá.

Tại EU, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 196.090 tấn, giảm 12,7%; Italy đạt 142.191 tấn, tăng 2,1%; Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt là 20% và 50,5%.

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn khác là Mỹ cũng giảm 4,1% trong năm vừa qua, đạt 293 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu sang Nga, Philippines... cũng đều sụt giảm.

Trong khi tăng trưởng được ghi nhận ở Nhật Bản (+14,9%), Algieria (+88,4%), Hàn Quốc (+27,1%); đặc biệt là Indonesia tăng 122,4%.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 (% theo kim ngạch)

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan  

Giá cà phê trong nước lập đỉnh mới ngay trong vụ thu hoạch 2023-2024

Trong nước, giá cà phê robusta nhân xô đã tăng 70- 75% trong năm 2023, từ mức 40.000 đồng/kg thời điểm đầu năm lên 70.000 đồng/kg trong những ngày cuối năm.

Bước sang tháng 1/2024, giá cà phê tại các tỉnh sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên tiếp tục tăng và tiến sát cột mốc lịch sử mới là 71.000 đồng/kg vào ngày 11/1, vượt qua mức đỉnh cũ là 70.000 đồng/kg đạt được vào năm ngoái. Việc giá liên tục tăng cao ngay trong vụ thu hoạch báo hiệu một vụ mùa bội thu tiếp theo của ngành cà phê.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp 

Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 12/1, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 2/2024 trên sàn giao dịch London cũng đã tăng 10,7% so với cách đây một tháng lên 2.938 USD/tấn. Thậm chí, có thời điểm giá chạm ngưỡng kỷ lục hơn 3.000 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn gần trên sàn giao dịch New York dao động ở mức 184 US cent/pound, không đổi so với một tháng trước.

Lo ngại nguồn cung robusta từ châu Á và tuyến vận tải biển Âu – Á qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá của thị trường.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ đã khiến một số hãng tàu phải điều chỉnh lại tuyến đường chở cà phê.

Do đó, đối với cà phê Đông Nam Á và Đông Phi trên đường đến châu Âu, những tác động không lường trước được bao gồm việc tăng chi phí vận chuyển do một số công ty vận tải đã đưa ra các khoản phụ phí để bù đắp cho thời gian vận chuyển kéo dài.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc người dân găm hàng ngay cả trong vụ thu hoạch càng góp phần khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá nội địa và các sàn tăng cao. Nhiều doanh nghiệp không mua được hàng phục vụ cho các hợp đồng giao sau. 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp  

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022-2023.

“Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê robusta và arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định với tình hình hiện tại, chỉ cần đến tháng 4 - 5/2024 là có thể tiêu thụ hết hàng. Trong năm 2023, tình hình khan hiếm hàng bắt đầu từ tháng 6, đẩy giá cà phê trong nước tăng cao.

"Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê robusta. Vì vậy, nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trong năm 2024, thậm chí cao nhất thế giới", ông Nam nói thêm.

Nhận định về nguồn cung thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo  niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê robusta toàn cầu sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây.

Đây là thông tin không mấy tích cực đối với các nhà rang xay, đặc biệt là các nhà nhập khẩu tại châu Âu. Nguyên nhân là bởi cà phê rang xay, hòa tan (chủ yếu được làm từ cà phê robusta) đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng do kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng lên.

Đây cũng là lý do xuất khẩu cà phê chế biến (cà phê rang xay và cà phê hòa tan) của Việt Nam tăng rất mạnh trong năm 2023 vừa qua.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, tính hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tăng tới 27,2% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức kỷ lục 776,5 triệu USD, chiếm 21,4% tỷ trọng. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nhân robusta và arabica giảm lần lượt là 2,4% và 37,3%, xuống còn 2,7 tỷ USD và 145,4 triệu USD.

Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê đang được đẩy mạnh trong những năm qua. 

Hoàng Hiệp

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.