|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kiến nghị trả lương sếp doanh nghiệp nhà nước theo thị trường

16:52 | 21/11/2018
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng mức lương hàng tỷ đồng không quan trọng bằng việc lãnh đạo doanh nghiệp đã làm ra bao nhiêu tiền. 

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước diễn ra sáng ngày 21/11, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng doanh nghiệp nhà nước vẫn là lực lượng chưa thể thay thế. Tuy nhiên, việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước có nhiều tồn tại không theo cơ chế thị trường.

Ở hội nghị có sự tham dự của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Viện trưởng CIEM đưa ra kiến nghị nên cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước được trả lương lãnh đạo giá thị trường.

Ông giải thích, các doanh nghiệp nhà nước hiện không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, chịu gò bò, ràng buộc, không được tuyển dụng và trả lương theo nguyên tắc thị trường. Ông lấy ví dụ, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp được trả 1-1,5 tỷ một năm thì dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu và cần phải có cơ chế để doanh nghiệp được hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

kien nghi tra luong sep doanh nghiep nha nuoc theo thi truong
Trụ sở chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Hơn nữa, Viện trưởng CIEM cho rằng, hiện các chủ sở hữu Nhà nước giao cho doanh nghiệp những chỉ tiêu kinh doanh rất thấp. Trong khi đó, theo ông, lẽ ra không thể chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng.

Một trong những vấn đề nữa được ông Cung đề cập là một số nguyên tắc hoạt động theo cơ chế thị trường khác như việc công khai minh bạch thông tin còn kém. Ông cho rằng đây là điều rất dễ làm và triển khai không mất tiền, để chủ sở hữu có thể dễ dàng quản trị thông tin. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất nhiều lần nhưng các doanh nghiệp không thực hiện hoặc công bố rất ít. Viện trưởng CIEM cho rằng cần có áp lực lớn hơn để buộc doanh nghiệp thực hiện công khai theo nguyên tắc thị trường.

Ông Cung cũng đưa ra kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc giao chỉ tiêu kinh doanh đủ cao để chỉ những lãnh đạo doanh nghiệp nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành, không nên giao nhiệm vụ để ai cũng có thể hoàn thành. Như vậy, theo ông sẽ gây áp lực cho các chủ sở hữu về việc chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 20-30% hơn là bất cứ doanh nghiệp nào.

"Có như vậy thì sau vài năm chúng ta mới có thể có những tập đoàn kinh tế lớn. Hiện nay doanh nghiệp đứng cuối cùng trong danh mục 500 tập đoàn lớn nhất thế giới thì có doanh thu 24 tỷ USD. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất gồm Viettel, PVN, EVN thì mới đạt 11 tỷ USD", ông dẫn chứng và nhấn mạnh việc làm sao để trong một vài năm nữa Việt Nam có những tập đoàn nằm trong Top 500 lớn nhất toàn cầu.

Ở góc độ quản trị công ty, Viện trưởng CIEM cho rằng đầu tiên phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc với doanh nghiệp nhà nước để họ được tự chủ kinh doanh, là tự xác định ngành nghề kinh doanh còn làm như thế nào thì HĐQT và giám đốc tự quyết định.

"Thời gian qua, việc quản lý hành chính hoá nhiều trong việc ra quyết định đầu tư kinh doanh, nên thay đổi cách quản trị đó", ông nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đề xuất nên dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi hơn là mệnh lệnh hành chính trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông, cơ quan quản lý có thể xây dựng hệ thống tín nhiệm để đánh giá doanh nghiệp, tương tự tín nhiệm ngân hàng. Nếu đơn vị lợi nhuận tốt thì đưa vào danh sách được tự chủ trong mức độ nào đó, còn đơn vị nào lợi nhuận kém thì đưa vào dạng giám sát.

Xem thêm

Nguyễn Hà