Dự kiến sau tái cơ cấu 2025, PVN giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng vốn góp
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ vừa qua, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho hay PVN sẽ từng bước để cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn từ nay tới năm 2025.
Trước mắt trong năm nay, PVN đã IPO PVPower, PVOil, Lọc hoá dầu Bình Sơn và thu về 16.500 tỷ đồng, trong đó thặng dư giá trị vốn nhà nước là 7.500 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tính cả giá trị cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, PVN đã thu về 18.600 tỷ đồng, chiếm 83% giá trị thực hiện của cả nước (22.500 tỷ đồng).
Để thực hiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, ông Sơn cho hay, PVN đã có những kiến nghị để thực hiện một số cơ chế chính sách đã được nêu trong Nghị quyết 41 (về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035), bao gồm cả các kiến nghị chung cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa, thoái vốn.
Cụ thể, PVN đề nghị Nhà nước xem xét cơ chế phân bổ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để lại cho doanh nghiệp thực hiện tái đầu tư.
Ông Sơn cho hay, thực chất, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn là nguồn thu của tương lai, bao gồm cả phần của nhà nước và doanh nghiệp được phát sinh tại một thời điểm là cổ phần hóa hoặc thoái vốn.
Nhà nước cần để lại phần thu này cho doanh nghiệp nếu không giảm vốn điều lệ. Phần thặng dư còn lại thực chất có 30% quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp cộng với một số quỹ khác.
Ông Sơn đề nghị Nhà nước xem xét để lại cho các DNNN khoảng 30 - 40% phần thặng dư này, trong đó có quy định doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng và phát triển tốt nguồn vốn này.
Nếu các cơ chế chính sách này được chấp thuận, PVN sẽ có thêm các nguồn vốn để phục vụ các dự án lớn, trọng điểm.
Sau khi tái cơ cấu, quy mô, mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn được tinh giảm, dự kiến, vốn góp của PVN vào các đơn vị thành viên tính đến cuối năm 2025 sẽ giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng mệnh giá (tương đương giảm 23% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó giai đoạn 2018 - 2020 giảm 38,1 nghìn tỷ đồng mệnh giá) để nâng cao hiệu quả lên khoảng 20 - 30% so với trước đó.