|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu Việt Nam có lặp lại kịch bản lạm phát cao như những năm 2010-2011?

08:34 | 02/02/2022
Chia sẻ
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng kiểm soát lạm phát sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, không bao giờ hết lo nhưng khi đề cập tới năm 2022 dường như chúng ta nói quá nhiều về mối lo này.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: Năm 2021, lạm phát của Mỹ hay châu Âu cao như vậy - người ta có lo nhưng cũng không nói nhiều như chúng ta - dù lạm phát tăng thấp nhất trong vài chục năm qua. 

Việt Nam có chỉ số lạm phát thấp, tại sao đến thời điểm này vẫn cứ điệp khúc lo lạm phát?

Liệu Việt Nam có lặp lại kịch bản lạm phát cao như những năm 2010-2011? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Đồ họa: Alex Chu).

Năm 2022, một trong những mối lo được nhiều người chỉ ra là lạm phát, ông có quan điểm ra sao về điều này? 

Nói thực là tôi không lo lạm phát và cũng không hiểu vì sao nhiều người nói nhiều về lạm phát tới vậy. Năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020, đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4%, cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tại sao lạm phát ở mức thấp mà ta lo nhiều tới vậy? Không chỉ năm nay mà năm nào tôi cũng thấy chúng ta lo lạm phát. 

Trong khi đó, nhìn ra thế giới, lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm qua, châu Âu cũng vậy,  các nước này họ lo nhưng không nói nhiều như Việt Nam, nói theo quán tính, ào ào chứ không phân tích. 

Muốn biết lạm phát hay không thì chúng ta phải phân tích yếu tố nào tác động vào nó, phân tích nguyên nhân lạm phát cầu kéo hay chi phí đẩy tạo thành.

Về nguyên nhân do cầu kéo, tiêu dùng giảm mạnh, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dành tiết kiệm để phòng thân cao hơn, vậy làm sao lo lạm phát? Thu nhập thấp có ai mua gì để tiêu đâu, thì lấy đâu ra lạm phát!

Về chi phí đẩy, tiêu dùng không cao thì doanh nghiệp cũng không mặn mà sản xuất nhiều; xu hướng tiết kiệm cao, không ai mua hàng, doanh nghiệp tăng sản xuất bán cho ai? cung nguyên liệu cao mà nhu cầu giảm, doanh nghiệp đầu cơ sẽ lâm cảnh phá sản. Chúng ta phải hiểu rằng giá là do cung cầu thị trường. 

Hay giá xăng dầu cũng vậy, có tăng lên rồi sẽ có xuống khi thị trường tự điều chỉnh. Điều này cũng diễn ra nhiều năm qua rồi chứ không phải xa lạ gì mà chúng ta lo ngại. 

Các năm 2020-2021, chúng ta có chỉ số lạm phát thấp nhất trong mấy chục năm qua, tại sao đến thời điểm này chúng ta cứ điệp khúc lo lạm phát? Trải qua mấy năm lạm phát thấp, chúng ta vẫn lo lạm phát, vậy thử hỏi đến khi nào chúng ta không lo lạm phát nữa đây?

'Việt Nam sẽ không lặp lại kịch bản lạm phát thời kỳ 2009-2010' - Ảnh 2.

Còn những người lo ngại nguy cơ Việt Nam gặp phải kịch bản lạm phát như đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 bắt nguồn từ Mỹ, tôi cho rằng những người đưa ra quan điểm này không hiểu gì lạm phát thời kỳ 2008 - 2009 bởi những yếu tố gây nên lạm phát thời điểm đó đều không có bóng dáng ở giai đoạn bây giờ. Hoàn toàn không có. 

Tuy nhiên, thực tế năm qua dòng tiền đã đổ mạnh vào bất động sản, đâu đâu người ta cũng nói tới giá đất, đầu tư đất. Đây cũng là tất yếu khi bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh còn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Ông thấy sao về vấn đề này?

Quan điểm của tôi là không ủng hộ đầu tư vào bất động sản. Chúng ta phải hiểu rằng giá đất sốt lên rồi sẽ có lúc hạ, nếu nó xuống không tỉnh táo thì nhà đầu tư sẽ ôm lỗ. 

Còn vấn đề của Nhà nước là phải kiểm soát, làm sao không để có sự tiếp tay của các ngân hàng trong việc đầu cơ bất động sản. 

Nếu không phải lạm phát, kinh tế đối mặt thách thức nào lớn hơn?

Liệu Việt Nam có lặp lại kịch bản lạm phát cao như những năm 2010-2011? - Ảnh 3.

Kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt thách thức nào trong năm 2022? (Ảnh minh họa: Báo Hải Phòng).

Vậy không lo về lạm phát thì ông có nỗi lo gì cho năm 2022 hay không? Cơ hội hay thách thức nào mà nền kinh tế phải đối mặt?

Điều tôi sợ nhất là chúng ta không dám làm gì, điều này sẽ kìm hãm sự sáng tạo, tự do của con người, kìm hãm toàn bộ xã hội. Đây mới là lý do khiến đất nước trì trệ, thì đấy mới là điều lo lắng. 

Cơ hội và thách thức là hai cụm từ luôn luôn đan xen nhau, không bao giờ có thách thức mà không có cơ hội. Dịch bệnh là cơ hội tốt nhất để chúng ta đẩy mạnh ngành công nghiệp thiết bị y tế, nghiên cứu vắc xin nhưng cuối cùng lại là đi làm giả. Điều này triệt tiêu những người làm thật, làm cho họ không thể lên được. Đó là điều đáng lo ngại. Những người làm ăn chân chính bị triệt tiêu, người làm giả nổi kên kìm hãm phát triển kinh tế. 

Một điểm sáng trong năm 2021 mà tôi thấy đó là dù dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiêp tư nhân Việt Nam đã vượt khó. Ở các lĩnh vực như công nghệ, ngân hàng... chúng ta sẽ tìm kiếm được những doanh nghiệp tiềm năng. Đất nước cần doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và chúng ta phải tạo môi trường cho họ phát triển. 

Đồng thời, Việt Nam cần phát triển và nâng cao hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích bỏ vốn thiên thần và đầu tư mạo hiểm. Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có quyền hỗ trợ vốn thiên thần cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế, không yêu cầu thực hiện bất kỳ một thủ tục hành chính nào. 

Tôi biết vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, do vậy chúng ta phải dứt khoát mạnh dạn bỏ thủ tục hành chính đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm. 

Gói đầu tư công sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Nói tới năm 2022 thì không thể không đề cập tới gói kích thích kinh tế vừa được Quốc hội thông qua. Ông kỳ vọng gì về gói hỗ trợ này? 

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện, vì vậy gói kích thích kinh tế của mình chậm hơn nhưng có lẽ chậm còn hơn không. 

Trong gói hỗ trợ này, tôi kỳ vọng lớn về nhóm giải pháp đầu tư công, nếu làm được điều này thì đây sẽ cú hích rất lớn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế phục hồi.

Còn về việc giảm thuế, thời gian qua có ý kiến cho rằng nên tập trung vào doanh nghiệp lớn nhưng suy nghĩ của tôi hoàn toàn ngược lại. Bởi làm chính sách mà cứ tập trung vào mục tiêu là cái gì, tập trung vào công cụ là hỏng. Quan trọng nhất của chính sách là phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. 

Hơn nữa, một động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế là kích thích tiêu dùng. Song trong giai đoạn dịch bệnh, người dân tiêu cả tiền tiết kiệm, tổng cầu giảm mạnh, nếu họ không nhận được hỗ trợ đủ lớn của Chính phủ thì tốc độ tăng trưởng không thể nhanh. Một khi người tiêu dùng tăng chi tiêu thì doanh nghiệp cũng mới có chỗ bán hàng, mới phục hồi sản xuất. Làm gì thì chúng ta cần cũng đặt ra hiệu quả. Hiệu quả là gì? Là đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất. 

Quá trình phục hồi kinh tế còn phải phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, ông có cho rằng không nên vì dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn mà chúng ta chậm hơn so với các quốc gia trên thế giới về mở cửa biên giới, mở nền kinh tế?

Đây chính là nhiệm vụ của gói y tế trong chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua. Kiểm soát dịch bệnh đi kèm với tiêm vắc xin chính là để mở cửa nền kinh tế. Theo đó, hàng không, du lịch, thương mại quốc tế thì phải mở cửa cho chuyên gia vào Việt Nam, đừng bắt họ phải cách ly quá lâu, thủ tục quá phức tạp.

Những hành động này tưởng chừng rất nhỏ, nhưng tác động rất lớn. Chuyên gia, nhà đầu tư không vào được thì nhiều dự án sẽ bị tắc, thiết bị không nhập được về. Nhà máy có thể xây ở đó nhưng không vận hành được. Đồng thời, ngay cả doanh nghiệp Việt Nam muốn đi ra nước ngoài để tham gia giao thương, xúc tiến thương mại cũng bị bị cản trở, điều này có thể đánh tuột mất nhiều cơ hội. 

Xin cảm ơn ông! 

Dương Thùy