Năm 2022 kỳ vọng kinh tế đi lên, mọi nhóm ngành đều hưởng lợi
Quốc hội mới đây đã thông qua Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (gói phục hồi) có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với gần 350.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế phục hồi và phát triển sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19.
Kinh tế phục hồi, mọi lĩnh vực đều hưởng lợi gián tiếp
Đánh giá về tác động của gói phục hồi trên đối với các lĩnh vực kinh tế, chia sẻ với người viết, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV, cho biết nhìn chung gói phục hồi sẽ tác động tương đối rộng tới nền kinh tế, tuy nhiên nó không tác động theo bề ngang mà sẽ tập trung vào một vài lĩnh vực.
Chẳng hạn như liên quan đến gói giảm thuế VAT sẽ kích cầu về tiêu dùng, gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp sẽ hướng tới một số nhóm doanh nghiệp nhất định hay đầu tư công tập trung cho các dự án cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam phía Đông,…
Theo ông, tác động của các chính sách thuộc gói hỗ trợ này phụ thuộc vào tiến độ triển khai nhanh hay chậm. Song, về cơ bản thì nó sẽ tạo ra tác động rất hữu ích đối với nền kinh tế khi mà mọi thứ, cả tổng cầu và tổng cung đều đang suy giảm như hiện tại.
Ông cũng chỉ ra một số nhóm ngành được đánh giá là sẽ “dẫn đường” cho năm 2022 thông qua việc hưởng lợi từ gói phục hồi trên.
Thứ nhất là nhóm ngành tiêu dùng được kích thích thông qua chính sách miễn giảm thuế VAT. Hiện tại, tiêu dùng đang rất yếu do thu nhập bình quân của người dân đang tương đối thấp.
"Tuy nhiên, với chính sách miễn giảm thuế VAT xuống còn 8% sẽ kích thích, tác động tích cực đối với ngành tiêu dùng và các doanh nghiệp thuộc ngành này sẽ là nhóm được hưởng lợi chính", ông Bùi Nguyên Khoa nhận định.
Thứ hai là các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư công và hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 sẽ được đưa vào nhóm được hưởng lợi về mặt lãi suất.
Quan trọng hơn là với hơn 113.000 tỷ đồng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, những doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, tập trung chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất đá, nhựa đường,…
Bên cạnh hai nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp, ông Bùi Nguyên Khoa cũng lưu ý khi nền kinh tế phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng thì tất cả các yếu tố, lĩnh vực sẽ đều hưởng lợi gián tiếp và hồi phục trở lại.
Điểm nhấn phục hồi sẽ liên quan đến gói đầu tư công
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam, nhận định gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ thì gần 50% đã dành cho đầu tư công. Như vậy những ngành liên quan trực tiếp, gián tiếp tới đầu tư công sẽ đều được hưởng lợi.
Trong đó, nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp đó là lĩnh vực bất động sản. Trong xuyên suốt hai năm qua, thanh khoản thị trường bất động sản rất trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, với gói đầu tư công quy mô hơn 113.000 tỷ, đây được coi là cú hích thanh khoản cho thị trường bất động sản sẽ khôi phục trở lại trong năm 2022.
"Khi thanh khoản của thị trường bất động sản được đẩy mạnh thì những nhóm ngành, lĩnh vực đầu tư bất động sản hoặc nhóm xây dựng, hạ tầng cũng sẽ được hưởng lợi từ gói đầu tư công", ông Nguyễn Thế Minh lưu ý.
Song song đó, ông cũng cho rằng việc đầu tư công, xây dựng hạ tầng cũng trở thành lực đẩy cho làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam.
Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Thế Minh cho biết trong năm vừa qua, làn sóng dịch chuyển FDI rất mạnh, tuy nhiên vẫn có phần chững lại. Một mặt do đại dịch COVID-19, mặt khác đến từ lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam.
Hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh như các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, … do đó việc đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng sẽ giúp cho làn sóng FDI sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, gói đầu tư công cũng sẽ tác động tới nhóm bất động sản khu công nghiệp. Nhìn tổng quan chung thì lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi theo cả hai phương diện trực tiếp và gián tiếp từ gói đầu tư công.
Bên cạnh bất động sản, với chính sách kích cầu tiêu dùng quay trở lại, ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022 và ảnh hưởng mạnh từ quý III.
"Như vậy, các nhóm hàng hóa sẽ được hưởng lợi từ gói chính sách này. Lĩnh vực sản xuất thực phẩm, bán lẻ sẽ là hai nhóm ngành chung được hưởng lợi từ câu chuyện này", Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam nhận định.