|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế Việt Nam làm được điều này

08:02 | 24/01/2022
Chia sẻ
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam, dù bị tác động bởi khủng hoảng nhưng đến giờ vĩ mô vẫn ổn định.

Nền tảng vĩ mô vẫn ổn định

Tại hội thảo “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam nhấn mạnh hai điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021.

Đầu tiên phải kể đến xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt. Trong năm 2021, từng có nhiều cảnh báo Việt Nam khó xuất khẩu, hoặc nhiều nhà sản xuất tháo chạy khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, thực chất chỉ là câu chuyện chuyển đơn hàng. Khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 10/2021, các đơn hàng lập tức quay trở lại.

Điểm sáng thứ hai được ông Thành đề cập đến là lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam, dù bị tác động bởi khủng hoảng nhưng đến giờ vĩ mô vẫn rất ổn định. Ông đánh giá Việt Nam vẫn áp dụng chính sách tài khóa rất thận trọng, còn về chính sách tiền tệ, Việt Nam cũng đã hỗ trợ dồi dào.

"Chính sách tiền tệ tăng cường hỗ trợ như vậy nhưng các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát hoàn toàn ổn định, khác hẳn so với những gì Việt Nam từng trải qua cách đây 12 năm. So với nhiều nước trong khu vực, sự hỗ trợ tiền tệ của chúng ta vẫn còn khá hạn chế vì vậy thực sự cần đến chương trình hỗ trợ trong năm nay", chuyên gia nhận định.

Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế Việt Nam làm được điều này - Ảnh 1.

Xuất khẩu vẫn sẽ thuận lợi, GDP có thể tăng 7,5% năm nay

Nói về triển vọng năm 2022, chuyên gia nhận định xuất khẩu vẫn khá thuận lợi. Ông cho biết, trong cả năm 2021, theo công bố của ngành Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 19%, thậm chí còn mạnh hơn cả thời tiền COVID-19 bởi tác động của việc khan hiếm hàng hóa trên thị trường toàn cầu nên cứ sản xuất được thì chúng ta xuất khẩu được.

Khác với năm 2020 khi bắt đầu của dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhanh được tại thị trường Mỹ, Trung Quốc, sang năm 2021, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu sang tất cả các thị trường. Thị trường EU thuận lợi do sự phục hồi trở lại của các nền kinh tế EU và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực nên xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, thị trường ASEAN, Đông Bắc Á cũng hồi phục. Về mặt cơ cấu xuất khẩu, Việt Nam ở một vị trí rất thuận lợi khi có thị trường toàn cầu khá đa dạng nên thị trường xuất khẩu này tăng thì sẽ bù đắp cho sự suy giảm của thị trường khác.

“Theo tính toán thận trọng của tôi thì xuất khẩu sẽ tăng được khoảng 14% trong năm 2022. Ít nhất trong 6 tháng tới, nếu như tình trạng khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra thì Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu được trong 6 tháng đầu năm 2022. Sau đó, khi diễn ra lộ trình thắt chặt tiền tệ toàn cầu, có thể người tiêu dùng giảm nhu cầu thì nửa cuối năm 2022, xuất khẩu chậm lại nhưng ít nhất trong cả năm 2022, tình hình vẫn rất khả quan cho động lực xuất khẩu”, chuyên gia nhận định.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2022, ông cho biết nếu như trong bối cảnh thuận lợi, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể cao hơn 6,5% còn nếu xấu con số sẽ thấp hơn. 

Kịch bản thuận lợi là toàn cầu kiểm soát được lạm phát, lộ trình tăng lãi suất như đang kỳ vọng và tiến tới mở cửa quốc tế, các hoạt động sẽ theo hướng phục hồi. Xuất khẩu tăng 14%, tiêu dùng tăng 7%, theo kịch bản đó, GDP có thể tăng trưởng 7,5% khi Việt Nam lấy lại được một số yếu tố mất mát của năm trước đó.

Trong kịch bản xấu, mọi chuyện còn tùy thuộc yếu tố nước ngoài, nhất là với lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn. Trong nước, rủi ro có thể là lạm phát vượt mức mục tiêu 4%, còn nếu lên mức 5,6% thì sẽ phải tính đến thắt chặt. Trong kịch bản xấu này, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt dưới 5%.

Anh Đào