|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kiếm việc làm hợp ý quá khó, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc về quê ‘nghỉ hưu'

14:23 | 03/10/2024
Chia sẻ
Nhiều người trẻ Trung Quốc thất vọng với quá trình tìm việc khó khăn trên thành phố nên quyết định chuyển về nông thôn sinh sống.

Thanh niên Trung Quốc cấy lúa trên ruộng. (Ảnh: VCG). 

Còn trẻ đã tính về hưu

Do chán nản với tình hình việc làm, người trẻ Trung Quốc đang bỏ phố về quê. Ngày càng nhiều thanh niên ghi lại cuộc sống “về hưu” ở vùng nông thôn sau khi bị sa thải, nghỉ việc hoặc không tìm được việc làm. Những thanh niên tự nhận mình là người “về hưu” cho biết họ sinh ra trong thập niên 1990 hoặc 2000.

Năm ngoái, một thanh niên 22 tuổi có tài khoản mạng xã hội là Wenzi Dada đã dọn đến sống trong một căn lều tre ở tỉnh miền núi Quý Châu. Wenzi trước đây làm nhiều công việc khác nhau trong lĩnh vực sửa chữa, xây dựng và sản xuất ô tô.

Anh nói với truyền thông địa phương rằng anh cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc với máy móc hàng ngày và đã nghỉ việc để trở về quê hương. Anh cũng cố tìm việc làm mới nhưng không hài lòng với những lựa chọn ở quê. Giờ đây, Wenzi tự nhận mình là người đã về hưu.

Hàng ngày, Wenzi đăng tải video lên tài khoản Douyin quay cách anh nấu ăn, thu hoạch rau và duy trì túp lều trên đỉnh núi của mình.

Ông Chung Chi Nien, Giáo sư tại Đại học Polytechnic Hong Kong, cho biết công cuộc tìm việc làm đặc biệt khó khăn đối với người trẻ khi nền kinh tế Trung Quốc sa sút.

Vị giáo sư giải thích rõ hơn rằng có đến 11,8 triệu cử nhân tham gia vào thị trường lao động trong năm nay - con số cao nhất từ trước đến nay. Điều đó khiến cho bằng đại học bị “phá giá”. Do vậy, những cá nhân có ít bằng cấp và kinh nghiệm hơn lại càng có ít cơ hội có việc làm.

 

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lập kỷ lục 18,8% vào tháng 8 - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh cách tính từ tháng 12 năm ngoái. Nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn tiếp tục vật lộn với nhu cầu yếu kém và rắc rối trong thị trường nhà đất.

Ông Chung nói với CNBC: “Khi cộng hết những yếu tố trên, việc người trẻ chọn ‘nghỉ hưu’ hoặc ‘nghỉ dưỡng’ ở nông thôn không có gì đáng ngạc nhiên bởi tìm kiếm việc làm cực kỳ khó khăn, đặc biệt là với công việc tốt ở những thành phố hàng đầu”.

Hiện giờ, các địa điểm mà giới trẻ yêu thích bao gồm Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên - những tỉnh có chi phí sinh hoạt chỉ bằng 1/4 so với Thượng Hải.

Chờ đợi công việc lý tưởng

Bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết trong ba năm qua, các lĩnh vực dịch vụ từng tuyển dụng nhiều sinh viên mới ra trường đã suy yếu nặng nề, đặc biệt là bất động sản và dịch vụ.

Tuy trên thành phố cũng có sẵn những công việc trả lương thấp hơn như giao hàng hay lái xe công nghệ, người trẻ được đào tạo không muốn chấp nhận chúng, bà Wang chỉ ra.

Ngành sản xuất rất thiếu lao động, nhưng người trẻ cũng không muốn làm việc trong nhà máy. Bà Keyu Jin, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, chỉ ra: “Nhiều người trẻ Trung Quốc thà ở nhà với bố mẹ và chờ những công việc tốt hơn”.

Đồng thời, những người “về hưu non" cũng lên tiếng phản bác lại những ai chỉ trích họ quá kén chọn hoặc đã bỏ cuộc. Trên mạng xã hội, Wenzi kể anh bị người trong làng chê trách vì lối sống hiện tại và so sánh với những người cùng tuổi đã có việc làm đầy đủ.

Nhà kinh tế Wang nhận xét những cáo buộc trên tuy bất công nhưng cũng là phản ứng dễ hiểu đối với văn hóa và xã hội Trung Quốc.

Bà chỉ ra: “Những người trẻ ‘về hưu’ bị mắng mỏ vì người Trung Quốc thường nghĩ ai có trình độ học vấn cao hơn thì phải tận dụng lợi thế đó và làm việc chăm chỉ”. Với các gia đình Trung Quốc, giáo dục thường là khoản đầu tư lớn nhất của gia đình ngoài vấn đề nhà ở.

Bà cũng lưu ý rằng nhiều người trẻ bỏ phố về quê vẫn tạo ra được thu nhập nhờ bán hàng qua thương mại điện tử hoặc trở thành influencer trên mạng xã hội.

Viện dưỡng lão thanh niên?

Một số cơ sở đã nắm bắt xu hướng thất nghiệp của giới trẻ và tích cực phục vụ cho nhóm khách hàng này. Truyền thông Trung Quốc và mạng xã hội ngày càng đề cập nhiều hơn đến các “viện dưỡng lão thanh niên”.

Các “viện dưỡng lão thanh niên” mô tả mình là nơi để thanh niên nhận phòng và “nằm nghỉ” bất cứ khi nào họ muốn và thường từ chối tiếp những vị khách trên 45 tuổi, một chủ cơ sở kinh doanh cho biết.

Các chuyên gia cho rằng cách gọi trên có thể chỉ là một chiêu trò marketing. Song, sự phổ biến của chúng phản ánh tâm lý buồn bực, căng thẳng và ước muốn về lối sống chậm hơn của giới trẻ.

Làn sóng “nghỉ hưu” và “viện dưỡng lão” này có thể kéo dài đến giao giờ?

Vùng nông thôn Trung Quốc sẽ tiếp tục là nơi nghỉ ngơi cho người thất nghiệp ở thành thị, nhưng các thanh niên Trung Quốc có thể sẽ không ở lại nông thôn quá lâu.

Theo bà Wang, khu vực nông thôn không thể tạo ra lối sống hiện đại kiểu trung lưu mà giới trẻ Trung Quốc mong muốn, chưa nói đến dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế chất lượng cao.

Bà dự đoán: “Kiểu di cư ngược này khó có thể trở thành xu hướng dài hạn. Nó hầu như chỉ là hiện tượng nhất thời… Mục tiêu cuối cùng của những thanh niên đó vẫn là quay trở lại và định cư ở thành phố”.

Giang