Người trẻ khắp thế giới chật vật giữa thị trường việc làm ảm đạm và định kiến chốn công sở
Từ đông...
Hàn Quốc từng là hình mẫu phát triển kinh tế đáng chú ý của châu Á nhưng nay lại đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp dai dẳng trong giới trẻ.
Dữ liệu do chính phủ Hàn Quốc mới công bố cho thấy gần 240.000 người trong độ tuổi 15 - 29 đã thất nghiệp trong ít nhất ba năm. Hơn 82.000 người cho biết họ không tìm kiếm việc làm hay tham gia các khóa đào tạo nghề nghiệp trong khoảng thời gian này. Thay vào đó, họ “chỉ dành thời gian ở nhà”.
Số liệu trên báo hiệu rằng có vẻ ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc đang nản chí vì quá trình tìm việc không thành công. Đối với những người thất nghiệp dưới 6 tháng, chỉ 26,4% cho biết họ không tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng vọt lên 34,2% đối với những người thất nghiệp từ ba năm trở lên.
Theo tờ Korea Times, các chuyên gia nhận xét một trong những nguyên nhân khiến người trẻ thoái chí là sự thiếu thốn các công việc chất lượng.
Ông Kim Gwang-suk, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện Công nghiệp và Kinh tế Hàn Quốc, bình luận: “Tác động của lãi suất cao và sự sa sút của hoạt động đầu tư sau đại dịch khiến số công việc chất lượng mà người trẻ mong muốn sụt giảm. Tình huống này ảnh hưởng tiêu cực đến số việc làm toàn thời gian và động lực kiếm việc của người trẻ”.
Nhiều người trẻ mong muốn và có khả năng làm việc nhưng nản lòng vì nghĩ họ không thể tìm được các vị trí đáp ứng kỳ vọng, ví dụ như mức lương.
Nhưng xét trên tổng thể, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Hàn Quốc vẫn ở mức tương đối thấp là 4,1% vào tháng 8/2024, theo Trading Economics. Còn ở Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã duy trì ở mức hai chữ số kể từ tháng 5/2019.
Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã leo lên mức cao nhất là 18,8% kể từ khi phương pháp tính toán mới được áp dụng vào tháng 12/2023.
Một số nguyên nhân khiến người trẻ Trung Quốc khó tìm việc cũng tương tự như nhiều nước khác trên thế giới, bao gồm khu vực kinh tế tư nhân không tạo ra đủ việc làm mới và kỹ năng của cử nhân không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, theo Hội đồng Đại Tây Dương.
Nhưng thị trường lao động cho giới trẻ Trung Quốc cũng có một số đặc điểm riêng biệt. Giới doanh nghiệp thường yêu cầu người trẻ làm việc theo văn hóa “9-9-6”, tức từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Sự kiệt sức là một trong những lý do chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ngoài ra, các khó khăn của nền kinh tế và khủng hoảng bất động sản cũng khiến doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng. Những công việc phù hợp nhất với sinh viên mới ra trường thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
... sang tây
Không chỉ ở châu Á, người trẻ ở những nền kinh tế phát triển phương Tây như Mỹ, Anh cũng đang chật vật với sự nghiệp. Tờ Fortune cho biết ngày càng nhiều người trẻ từ chối kiếm bằng cấp hoặc tham gia vào thế giới việc làm.
Tính riêng ở Tây Ban Nha, nước này có đến 500.000 người trong nhóm tuổi 15 - 24 không theo học trường lớp hay làm việc. Trong khi đó ở Anh, gần ba triệu người thuộc thế hệ Gen Z (12 - 27 tuổi) được xếp vào nhóm “không hoạt động kinh tế”, tức là không có việc và cũng không đi xin việc.
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ liên tục gia tăng trong năm 2024 và cao hơn nhiều tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc. Ví dụ trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 là 9,7%, còn của mọi nhóm tuổi là 4,2%.
Bà Michele Evermore, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Century Foundation, chỉ ra rằng thị trường lao động Mỹ hiện nay “đặc biệt thách thức” với người trẻ.
Một mặt, các doanh nghiệp ngại sa thải nhân viên vì họ từng gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động sau COVID-19. Mặt khác, doanh nghiệp cũng ngại thuê người mới bởi nỗi lo suy thoái vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Điều đó khiến những người mới có ít kinh nghiệm gặp không ít khó khăn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rắc rối của người trẻ không chấm dứt ngay cả khi họ tìm được việc làm. Báo cáo gần đây của tạp chí giáo dục Intelligent cho thấy nhiều doanh nghiệp ở Mỹ đang nhanh chóng sa thải các nhân viên thuộc thế hệ Gen Z chỉ vài tháng sau khi tuyển dụng.
Intelligent khảo sát gần 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp và phát hiện khoảng 60% đã đuổi việc sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển dụng vào năm 2024. Và khoảng 14% sẽ cân nhắc không thuê sinh viên mới ra trường trong năm 2025.
Các Gen Z thường bị gắn mác là lười biếng hoặc không hợp tác trong chốn công sở, do đó các chủ lao động có thể có định kiến và cho rằng người trẻ có vấn đề mà không nhận thấy họ đang rất nỗ lực để thích nghi với công việc toàn thời gian đầu tiên.
Ông Huy Nguyen, cố vấn trưởng về giáo dục và phát triển nghề nghiệp của Intelligence, bình luận: “Các nhà quản lý có thể dễ có định kiến với Gen Z và xem thường họ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm phải giúp các sinh viên mới tốt nghiệp hòa nhập với nơi làm việc và trao cho họ cơ hội thành công”.