|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới trẻ châu Á không muốn làm việc trong nhà máy, kỷ nguyên đồ giá rẻ sắp đến hồi kết?

11:35 | 15/08/2023
Chia sẻ
Lao động trẻ tuổi ở châu Á không còn muốn làm việc trong nhà máy, buộc các doanh nghiệp phải tăng lương, phúc lợi và áp dụng các chiến lược tốn kém để giữ chân. Để bù đắp chi phí, một số công ty đang nâng giá bán. Thời đại quần áo, đồ điện tử và đồ chơi giá rẻ có thể đã sắp kết thúc.

Một nhà máy dệt may ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Vai trò lớn lao của châu Á

Châu Á, công xưởng của thế giới và là nhà cung ứng phần lớn hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ, đang đối mặt với rắc rối không nhỏ khi hầu hết người trẻ không muốn làm việc trong nhà máy.

Trong hơn 30 năm qua, lực lượng lao động của châu Á đã đem đến hàng loạt sản phẩm giá cả phải chăng cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Từ giờ, những người tiêu dùng Mỹ đã quá quen với quần áo, TV, đồ chơi giá siêu hời có thể sẽ sớm phải làm quen với giá cả cao hơn.

 

Hồi đầu năm nay, nhà sản xuất đồ chơi Hasbro cho biết tình trạng thiếu hụt lao động tại Việt Nam và Trung Quốc sẽ kéo chi phí đi lên.

Mattel, công ty sản xuất đồ chơi sở hữu thương hiệu Barbie nổi tiếng, cũng có cơ sở sản xuất lớn ở châu Á và cũng phải vật lộn với sự gia tăng của chi phí nhân công.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết cả hai đều đã nâng giá bán sản phẩm. Trong tháng 6, Nike cũng cảnh báo rằng chi phí lao động đã trở nên đắt đỏ hơn. Phần lớn giày của công ty được sản xuất tại châu Á.

Nhà kinh tế Manoj Pradhan ở London nhận xét: “Nhiều người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc hàng hóa chiếm một phần nhất định và tương đối ổn định trong thu nhập khả dụng của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng giả định này sẽ sớm phải thay đổi”.

Từ những năm 1990, Trung Quốc và sau đó là những nước châu Á khác đã bắt đầu hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đã biến những quốc gia nông nghiệp nghèo khó thành các cường quốc sản xuất.

Để thu hút nhân công, các chủ lao động chỉ cần mở cổng nhà máy và nhìn dòng người tự động kéo đến. Hàng tiêu dùng lâu bền trên toàn thế giới, từ sofa cho đến tủ lạnh, dần dần trở nên rẻ hơn.

Thời gian trôi qua, các quốc gia sản xuất ở châu Á đang gặp phải vấn đề thế hệ. Những người trẻ tuổi quyết định rằng họ không nên gắn bó với cuộc sống trong nhà máy.

Một số chủ doanh nghiệp đổ lỗi cho mạng xã hội. Lovesac, nhà sản xuất đồ nội thất có trụ sở tại Mỹ, nói rằng lực lượng lao động của công ty tại Trung Quốc đang già đi, và việc tìm kiếm lao động trẻ để thay thế ngày càng khó.

CEO Shawn Nelson của Lovesac nói rằng thanh niên tại những nơi như Trung Quốc và Việt Nam có smartphone, hòa nhập vào văn hóa toàn cầu, và họ không hứng thú với công việc trong nhà máy.

Ông nói: “Một khi những người trẻ xem show gia đình Kardashian, họ sẽ không muốn đến công xưởng nữa. Họ thích làm việc trong các cửa hàng hơn”.

Ngoài văn hóa, sự thay đổi của nhân khẩu học cũng đóng vai trò nhất định. Giới trẻ tại châu Á có ít con hơn thế hệ cũ và đẻ cũng muộn hơn, đồng nghĩa với việc họ chịu ít áp lực hơn cha mẹ trong việc kiếm thu nhập ổn định ở độ tuổi 20.

Rắc rối trên đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ thành thị Trung Quốc đã leo lên mức 21,3% trong tháng 6 dù các nhà máy vẫn khát nhân lực.

Các công ty quốc tế đang chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang những quốc gia khác bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Nhưng chủ nhà máy ở những nước này cho biết họ cũng gặp khó khăn trong việc tuyển người trẻ.

Kể từ năm 2011 đến 2021, lương công nhân nhà máy ở Việt Nam đã tăng hơn hai lần lên 320 USD/tháng – cao gấp ba lần tốc độ tăng tại Mỹ, theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO). Còn tại Trung Quốc, lương nhà máy tăng 122% trong cùng giai đoạn.

 

Sự bùng nổ của ngành dịch vụ cũng tạo điều kiện để người trẻ lựa chọn những công việc ít nặng nhọc hơn, ví dụ như nhân viên thu ngân tại cửa hàng hay lễ tân ở khách sạn.

Năm 2001, Nike báo cáo hơn 80% công nhân nhà máy của công ty là người châu Á và điển hình là người 22 tuổi, độc thân và lớn lên ở nông thôn. Ngày nay, độ tuổi trung bình của công nhân Nike tại Trung Quốc là 40 và ở Việt Nam là 31 tuổi, một phần là do các nước châu Á đang già đi nhanh chóng.

Dự báo được xây dựng dựa trên giả định tỷ suất sinh và tử vong không đổi so với số liệu ước tính cho năm 2022. 

Giải pháp nào cũng khó, lựa chọn nào cũng khổ

Để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân lực, các nhà máy châu Á đã phải tăng lương và triển khai những chiến lược tốn kém để giữ nhân viên, từ cải thiện giá đồ ăn ở căn-tin cho đến mở lớp mẫu giáo để giữ trẻ.

Một số công ty đã chuyển nhà máy đến các vùng nông thôn, nơi mọi người sẵn sàng làm các công việc lao động chân tay hơn. Nhưng họ phải đặt nhà máy ra xa cảng biển, nhà cung ứng hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải thích nghi với cuộc sống nông thôn, bao gồm cả việc công nhân vắng mặt trong mùa thu hoạch.

Một số nhà máy khác ở châu Á đang cố gắng khắc phục vấn đề nhân lực bằng cách sử dụng thêm máy móc, tự động hóa thêm các quy trình. Đối với những sản phẩm nhất định, nếu những công nghệ mới được ứng dụng có đủ hiệu quả, phương án này có thể giúp kiểm soát chi phí. Nhưng những sản phẩm ngành nghề như may mặc vẫn cần công nhân để may quần áo hay giày dép.

Trong quá khứ, các công ty sản xuất đa quốc gia có thể chuyển sang những địa điểm có chi phí rẻ hơn. Ví dụ, khi việc sản xuất ở Nhật Bản trở nên quá đắt đỏ, các nhà máy được chuyển sang Hàn Quốc, rồi đến Trung Quốc và rồi đến Việt Nam. Nhưng ngày nay, chiến lược này không còn dễ thực hiện nữa.

Nam Á và châu Phi có những quốc gia sở hữu lực lượng lao động lớn nhưng lại đi kèm với môi trường chính trị bất ổn hoặc thiếu cơ sở hạ tầng tốt và nhân lực có trình độ. Ví dụ, nhiều thương hiệu thời trang đã gặp rắc rối khi mở rộng sang Ethiopia rồi chứng kiến hoạt động của họ bị gián đoạn bởi xung đột nội bộ.

 

Theo tờ Markets Insider, nếu muốn rời khỏi châu Á, các doanh nghiệp Mỹ có hai lựa chọn chính là chuyển bớt hoạt động sản xuất về nước hay sang những nước gần hơn như Mexico.

Trong những năm gần đây, các rắc rối về chuỗi cung ứng và lo ngại an ninh quốc gia đã và đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển bớt dây chuyền ra khỏi Trung Quốc.

Chiến lược hồi hương có những lợi thế riêng biệt, ví dụ như tạo thêm việc làm ở Mỹ và cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cách làm này khó có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc giá cả gia tăng. Do giá nhân công và những yếu tố khác, sản xuất hàng hóa ở Mỹ sẽ đắt đỏ hơn ở châu Á.

Một số công ty nhìn nhận rằng “nearshoring” – chuyển chuỗi cung ứng sang những nước gần Mỹ hơn – là chiến lược tốt nhất. Trong năm 2019, công ty sản xuất đồ chơi Mattel đã đóng cửa hai cơ sở ở châu Á và chi 50 triệu USD để mở rộng một nhà máy ở Mexico.

Hồi tháng 3, hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Mexico. Ông Andy Munro, chuyên gia ngành ô tô, đánh giá rằng nhà máy này sẽ là chìa khóa để Tesla sản xuất hàng loạt những chiếc xe điện có giá phải chăng 25.000 USD. Ông cũng tán thưởng đây là nước đi “thiên tài” của Elon Musk.

Mexico có thể cung cấp lao động giá rẻ hơn Mỹ và chi phí vận chuyển thấp hơn châu Á. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể khẳng định rằng liệu điều này có thể giúp giá hàng hóa duy trì ở mức thấp hay không.

Trong nhóm 10 quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, Mexico đứng cuối cùng. Tỷ trọng của Mexico trong sản lượng sản xuất là 1,5%, còn đóng góp của các nước châu Á trong danh sách này là 41,9%.

Giang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.