|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm toán nhà nước không nên có 'vùng cấm'

07:13 | 24/04/2018
Chia sẻ
Đối tượng của kiểm toán nhà nước không chỉ có tài chính công mà còn có tài sản công, đất công và tất cả phải công khai minh bạch, bất kể là đối tượng nào.
kiem toan nha nuoc khong nen co vung cam Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco chia 2.900 tỷ đồng cổ tức năm 2016 là vi phạm luật doanh nghiệp?
kiem toan nha nuoc khong nen co vung cam Kiểm toán Nhà nước kiến nghị IDICO điều chỉnh công tác quản lý, thực hiện tái cơ cấu
kiem toan nha nuoc khong nen co vung cam
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: ÁNH HỒNG

Ý kiến trên đã được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 do Kiểm toán nhà nước tổ chức ngày hôm nay, 23-4 tại TP.HCM.

"Tài sản công ẩn trong đất đai rất nhiều"

Nhiều ý kiến liên quan đến quản lý tài sản công đã được nêu ra, đặc biệt khi gần đây xảy ra hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến việc bán rẻ đất công, tài sản công.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM - lưu ý hiện nay tài sản công ẩn trong đất đai rất nhiều. Ông Ngân kiến nghị khi lập dự toán, ra chủ trương đầu tư là phải có sự tham dự của kiểm toán, phải được luật hóa chứ thể chế hiện hành không tạo điều kiện để kiểm toán tham gia sâu vào vấn đề này.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước, cho hay việc kiểm toán đối với các đơn vị có liên quan đến nước ngoài là rất khó khăn vì họ thường thuê các đơn vị kiểm toán độc lập, đứng sau là các công ty tư vấn. Nhiều đơn vị từ chối kiểm toán, viện lý do này lý do kia, thậm chí kiện tụng khắp nơi.

Ông Phớc đặt vấn đề xem lại quy định về kiểm toán độc lập, việc này rất cần thiết khi giám sát giá trị tài sản nhà nước đặc biệt với các thương vụ cổ phần hóa để không làm thất thoát tài sản nhà nước.

Nói về đối tượng của kiểm toán nhà nước, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng tất cả những gì thuộc nhà nước thì thuộc đối tượng của kiểm toán nhà nước, từ tài sản công, đất công đến tài chính công.

Nhưng bà Thủy cho hay hiện nay tồn tại rất nhiều quỹ "lôm côm", không có điều lệ hoạt động, mà biên chế có quỹ lên đến vài trăm người. "Tôi không hiểu tại sao các quỹ đó có thể tồn tại đến ngày nay, tiêu tốn số tiền rất lớn của ngân sách", bà Thủy nói.

Phải xử cá nhân dùng quyền cản trở hoạt động kiểm toán

Ông Lê Tấn Tới, đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị khi sửa đổi Luật kiểm toán Nhà nước cần có quy định xử lý trách nhiệm cả với cá nhân dùng quyền lực cản trở hoạt động của kiểm toán, không cho kiểm toán nhà nước kiểm toán ở đơn vị nào đó dù đơn vị đó "có vấn đề" vì hiện nay luật chưa điều chỉnh.

Theo Kiểm toán nhà nước, thời gian qua nhiều DN đã đối phó với kiểm toán bằng nhiều cách như cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, kịp thời, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhiều đơn vị còn cản trở việc kiểm toán, che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách...

Chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện được nội dung theo kế hoạch. Nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của kiểm toán, hoặc cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật.

Mặt khác, các kiến nghị của cơ quan kiểm toán không được thực hiện còn cao. Như năm 2015 có 35,7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỉ đồng, năm 2016 là 5.097 tỉ đồng.

Việc này làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng hệ thống pháp luật về kiểm toán Nhà nước chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài, trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên không có cơ sở để xử lý.

Phải minh bạch kết quả kiểm toán, bất kể đối tượng nào

Ông Phan Văn Hòa, phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề: "Vì sao có những vụ việc sau khi kiểm toán xong thì công khai với báo chí nhưng có những vụ việc chỉ kiểm toán nội bộ, không biết đúng sai như thế nào?

Chưa kể, có những vụ việc mới chỉ bắt đầu bàn đã có những ý kiến là "không nên nói". "Kiểm toán phải công khai minh bạch, bất kể là đối tượng nào. Có những sai phạm vì không công khai nên không ai biết", ông Hòa nói.

Ông Hòa kiến nghị cần tăng tính độc lập cho kiểm toán nhà nước. Không nên để đơn vị này thuộc bất kỳ cơ quan nào vì phải đặt trường hợp là khi cơ quan đó sai phạm thì kiểm nhà nước toán liệu có dám làm hay không.

Ngoài ra cũng cần có cơ chế sao cho tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra. Trên thực tế có trường hợp thanh tra vừa xong thì lại có đoàn kiểm toán vào làm đúng nội dung đó. Chỉ nên làm trong trường hợp đơn vị thực hiện trước có kết luận chưa đúng, còn bỏ sót nội dung nào đó chứ nếu làm cùng một nội dung thì không nên.

A.Hồng