Kiểm toán nhà nước chỉ ra loạt bất cập tại dự án xây cầu vượt sông lớn nhất ĐBSCL
Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên - công trình vượt sông có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long cũng từng bị KTNN “thổi còi” vào năm 2016. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Cụ thể, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét nâng tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư đối với các dự án giao thông vận tải (GTVT) thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Nguyên nhân là do các dự án này thường có tổng mức đầu tư rất lớn, nhu cầu vốn và thời gian thu hồi vốn dài (từ 15 - 25 năm), trong khi tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư thấp, phần vốn vay để đầu tư lớn (85 - 90% tổng vốn đầu tư dự án BOT) với lãi suất vay cao.
Đối với dự án cầu Cổ Chiên, nhà đầu tư ký hợp đồng tín dụng với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng 4,5%/năm. Điều này làm đội giá thành dự án và là nguyên nhân khiến phí sử dụng đường bộ cao và thời gian thu phí kéo dài.
Bộ cũng cần bố trí đủ vốn của dự án để Ban Quản lý dự án thanh toán kịp thời các khoản nợ cho nhà thầu và những khoản vay từ hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh; bố trí vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu Chính phủ... để đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn hai tỉnh thay vì đầu tư bằng hình thức BOT, nhằm giảm áp lực kinh tế đối với người dân và doanh nghiệp...
KTNN cũng trực tiếp kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh lãnh đạo Bộ và tập thể, cá nhân có liên quan trong việc phê duyệt tách dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên thành hai dự án thành phần và phê duyệt dùng nguồn vốn NSNN để xây trạm thu phí chưa đúng quy định.
Bộ phải chú trọng hơn công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự toán); yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Cổ Chiên rút kinh nghiệm trong việc chưa thực hiện đầy đủ quy định đối với công tác lựa chọn nhà thầu, công tác đàm phán thực hiện hợp đồng.
Việc lập lại phương án tài chính để xác định thời hạn thu phí hoàn vốn cho dự án cũng cần Bộ phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nguyên nhân do có sự thay đổi tổng vốn đầu tư BOT khi quyết toán công trình; thay đổi lãi suất vốn vay trong thời gian thi công, thời gian khai thác hoàn vốn; thời điểm thu phí so với quy định tại hợp đồng BOT.
Đối với số vốn NSNN còn dư (khoảng 634 tỷ đồng), KTNN kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép tiếp tục sử dụng để đầu tư hoàn chỉnh đường dẫn hai đầu cầu và các cầu trên tuyến với quy mô 4 làn xe theo dự án đã được duyệt hoặc sử dụng vào các mục đích hợp lý khác...
Ngoài ra, Chính phủ còn được đề xuất chỉ đạo việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm tăng tính cạnh tranh và đảm bảo năng lực của nhà đầu tư; lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa... cho các dự án sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án...