Kiểm điểm cá nhân sai phạm tại dự án đường sắt ngàn tỉ
'Việt Nam có thể làm đường sắt cao tốc với 20 tỷ USD' | |
Đường sắt cao tốc Bắc –Nam: Nhà nước bù lỗ 10-12 năm |
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết đã giải trình, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến kết luận của Thanh tra Bộ GTVT về công tác quản lý, đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai do Ban quản lý dự án đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.
Theo lãnh đạo VNR, dự án ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 9-2007, đến giai đoạn phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, trong quá trình thực hiện vào cuối năm 2010 do có nhiều biến động lớn về đơn giá vật liệu, tiền lương, chế độ chính sách… nên tổng mức đầu tư của dự án tăng nhiều so với quyết định đầu tư ban đầu.
Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra nhiều tồn tại ở dự án đường sắt Yên Viên-Lào Cai và chỉ đạo khắc phục. Ảnh: VIẾT LONG. |
Theo đó, nguồn vốn vay đã cam kết không đủ để thực hiện toàn bộ dự án. Vì vậy, các nhà tài trợ ADB, AFD và DGTresor đã có nhiều cuộc họp với Bộ GTVT, chủ đầu tư VNR và các nhà tài trợ đề nghị phía Việt Nam phải nhanh chóng cơ cấu lại dự án cho phù hợp với nguồn vốn vay hiện có để sớm triển khai thi công. Các nhà tài trợ đã xếp dự án vào danh sách có nguy cơ bị cắt vốn nếu không nhanh chóng cải thiện tiến độ.
Trước tình hình thực tế và yêu cầu từ nhà tài trợ, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu VNR khẩn trương lập phương án điều chỉnh dự án trên nguyên tắc việc điều chỉnh phải phù hợp với nguồn vốn đã có và đảm bảo hiệu quả của dự án sau khi điều chỉnh.
Theo đó, dự án được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, nghiệm thu… Giai đoạn 2, ADB trả lời hiện chưa ưu tiên xem xét bổ sung vốn, do đang xem xét về việc ảnh hưởng của tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến lưu lượng tàu của tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai…
Về gói thầu mua sắm ray ghi (RP), lãnh đạo VNR khẳng định việc điều chỉnh quy mô gói thầu mua sắm ray ghi RP được thực hiện theo đúng quy định hiện hành và được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan đến vật tư đã mua sắm chưa sử dụng, ngành đường sắt lý giải do giai đoạn 2 của dự án đến nay chưa được triển khai nên dẫn đến tồn dư khối lượng vật tư đã mua sắm.
“Hiện tại, toàn bộ số vật tư còn dư này đã được bàn giao cho VNR sử dụng cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Trên cơ sở giá trị vật tư sử dụng hàng năm của đơn vị, Bộ Tài chính sẽ giảm trừ dự toán chi sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì đường sắt được giao hàng năm tương ứng. Đồng thời ghi chi ghi thu ngân sách nhà nước giá trị tương ứng đó cho dự án…”, lãnh đạo VNR khẳng định.
Lãnh đạo VNR cho biết thêm với những tồn tại mà thanh tra Bộ GTVT chỉ ra, đơn vị đã yêu cầu tập thể Ban Quản lý đầu tư & xây dựng (giai đoạn 2010-2014) nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện nội dung liên quan công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai chưa phù hợp một số quy định.
Ngoài ra, yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm nghiêm túc, có tính cầu thị để hoàn thiện chính công tác tham mưu, quản lý, điều hành, chỉ đạo có liên quan đến từng tổ chức, cá nhân trong thời gian về sau để tránh các thiếu sót, tồn tại mà kết luận Thanh tra đã nêu. Hiện đơn vị có báo cáo gửi Thanh tra Bộ GTVT.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Thanh tra Bộ GTVT vừa chỉ ra một số tồn tại của dự án, từ khâu kế hoạch đấu thầu đã tồn tại sai sót như việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có đủ cơ sở pháp lý đã khiến khi dự án hoàn thành còn dư thừa khối lượng lớn vật tư, gây lãng phí như thừa 5.800 tấn ray P50, 4.800 bộ lập lách…
Ngoài ra, giá trị ray, ghi còn lại chưa sử dụng có nguyên giá là xấp xỉ 60 tỉ đồng và phải tổ chức trông coi, bảo quản với chi phí đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2017) là hơn 7 tỉ đồng.
Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ rõ về dự án này là công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán tại tất cả các gói thầu đều tính chưa đúng quy định…
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai với mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng thực hiện từ tháng 2-2005 đến 9-2014 trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương là gần 345 tỷ đồng, vốn vay xấp xỉ 150 triệu USD (khoảng hơn 3.000 tỉ đồng). Dự án được hoàn thành toàn bộ và đưa vào vận hành, khai thác vào năm 2015.
Dự án được đồng tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với tổng giá trị khoản vay khoảng 100 triệu USD sử dụng cho công tác xây lắp; Tổng vụ ngân khố và Chính sách kinh tế Pháp (DGTresor) với giá trị khoản vay là 31 triệu EURO sử dụng để mua sắm ray, ghi (gói thầu RP).
Xem thêm |