|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kịch bản nào cho dệt may năm 2023?

18:25 | 05/01/2023
Chia sẻ
Tuỳ thuộc vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra 2 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may. Theo đó, với kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 47 - 48 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt 45 - 46 tỷ USD.

Những yếu tố bất định vẫn còn kéo dài sang năm 2023

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.

 Ảnh: H.Mĩ

Tuy nhiên, ngành dệt may cũng như những ngành công nghiệp khác đang đứng trước những thác thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine còn căng thẳng, bên cạnh đó là đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất giao trong 5 - 7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử vải có thành phần sợi tại chế. Đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hoá, tiết kiệm năng lượng, giải khí thải. 

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2022 thị trường dệt may chứng kiến 2 bức tranh có màu sắc đối lập giữa 6 tháng đầu năm khởi sắc và 6 tháng cuối năm đảo chiều khó khăn (8 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ, tháng 9 chỉ còn tăng 11% nhưng tháng 10 và tháng 11 quay đầu giảm lần lượt 4% và 10% so cùng kỳ) khi nhu cầu tiêu thụ dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, EU suy giảm do lạm phát cao và lãi suất tăng. 

Xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm mặc dù dự kiến đạt mức cao mới khoảng 44 tỷ USD, tăng 8% so năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng của Quý 4/2022 đã chậm lại và tình hình khó khăn dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023.

Trong bài về chính sách tiền tệ – lãi suất của tiến sỹ Trương Văn Phước đã nêu ra 4 nhân tố quan trọng tác động đến thị trường ngoại hối năm 2023 và ảnh hưởng đến các kịch bản biến động kinh tế thế giới, bao gồm: chính sách lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED); xung đột quân sự Nga – Ukraina; tình hình kinh tế – xã hội của Trung Quốc (chính sách Zero covid) và, môi trường đầu tư toàn cầu.

Đây cũng chính là những yếu tố tác động đến hoạt động thương mại toàn cầu trong đó có xuất nhập khẩu dệt may.

Báo cáo mới đây của McKinsey về bức tranh ngành thời trang năm 2023 chỉ ra 3 rủi ro chính đối với ngành thời trang năm 2023 gồm lạm phát, bất ổn địa chính trị và  gián đoạn chuỗi cung ứng.

Dệt may là ngành phản ứng khá nhạy với diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Theo ông VITAS, xét về mặt nhu cầu, các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng cao và theo các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ lạm phát vẫn còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo. Các nhà bán lẻ, thương hiệu đang trì hoãn các đơn hàng cùng với sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may. 

Ngoài ra, căng thẳng Nga - Ukraine diễn biến phức tạp chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường dệt may của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá bông nhập khẩu và các chi phí nguyên liệu khác liên tục tăng xuất phát từ cuộc xung đột này. Giá bông nhập khẩu vào Việt Nam có thời điểm tăng khoảng 46% so với thời điểm đầu năm. Trong khi giá sợi xuất khẩu trung bình giảm 15%. 

Quy tắc xuất của hiệp định CPTPP (từ sợi trở đi) và EVFTA (từ vải trở đi) là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phỉa nhập khẩu nguyên phụ liệu là chủ yếu. Theo đó, Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 99% bông và gần 80% vải. 

Từ ngày 21/6/2022, “Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Ngô Duy Nhĩ” có hiệu lực sẽ là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp khi phải đối mặt với vấn đề truy soát nguồn gốc bông và sản phẩm làm từ bông Tân Cương.

Kịch bản nào cho ngành dệt may

Tuỳ thuộc vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra 2 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may.

Theo đó, với kịch bản tích cực, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 47 - 48 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt 45 - 46 tỷ USD. 

Trước bối cảnh hiện tại, Vinatex đưa ra 3 kịch bản:

Kịch bản Diễn biến
Tốt  Hết quý II/2023 kinh tế vĩ mô thế giới ổn định, xung đột địa chính trị kết thúc. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khoảng 4-5% so với năm 2022.
Trung Bình Tình hình xấu của quý IV/2022 kéo dài đến quý III/2023 với nhiều yếu tố bất định hơn chưa rõ ràng về giảm lạm phát, lãi suất vẫn tăng và chưa giảm. Xuất khẩu duy trì ngang với năm 2022.
Xấu Trong điều kiện diễn biến xấu kinh tế thế giới suy thoái. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể thấp hơn năm 2022 khoảng 5%.

Theo Vinatex để xác định thời điểm nhu cầu hàng dệt may phục hồi cần theo dõi sát diễn biến lạm phát tại các thị trường lớn. 

Đối với thị trường Mỹ, đã có những tín hiệu cho thấy lạm phát tại quốc gia này đã đạt đỉnh vào tháng 6 và đang hạ nhiệt. Lạm phát tháng 11/2022 chỉ tăng 7,1% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 11 tháng qua.

Như vậy sau 6 lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022 của FED (từ mức 0,25% vào tháng 1 lên 4% vào tháng 11) dường như bước đầu tác động đến lạm phát. 

Ngay sau khi có con số lạm phát tháng 11, ngày 14/12/2022 FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5%, đưa lãi suất lên mức 4,5%. Tuỳ theo diễn biến lạm phát, FED có thể xem xét tăng lãi suất lên tối đa 5,1% vào cuộc họp 1/2. Nếu theo kịch bản tốt thì FED sẽ không tiếp tục tăng lãi suất, duy trì ở mức 4,5% sau đó hạ dần lãi suất khi lạm phát giảm.

Đối với thị trường EU, tháng 11 cũng đánh dấu lạm phát lần đầu tiên chậm lại kể từ tháng 6/2022, mặc dù lạm phát tháng 11 vẫn ở mức cao là 10%.

Ngay sau khi FED tăng lãi suất thêm 0,5% vào ngày 14/12, ngày 15/12 Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất thêm 0,5%, đưa lãi suất lên mức 2% (từ mức -0,25% của tháng 1/2022, qua 4 lần tăng lãi suất tổng 2,25%) và sẽ còn tăng tiếp để đạt mục tiêu lạm phát 2%. 

Vinatex cho rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ, EU sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát đạt mục tiêu 2%. Việc tăng lãi suất cần thời gian để tác động đến lạm phát.

Theo giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc tăng lãi suất cần 1 năm để tác động đến tăng trưởng GDP và cần 2-3 năm để tác động đến lạm phát và vì thế các Ngân hàng Trung ương cần kiên trì với việc tăng lãi suất hoặc duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, nếu hạ lãi suất quá sớm sẽ không đạt được mục tiêu giảm lạm phát trong khi nền kinh tế đã bị tổn thương đáng kể bởi lãi suất cao trong suốt thời gian vừa qua.

Theo báo cáo về ngành thời trang 2023 của McKinsey, tốc độ phục hồi của nhóm hàng may mặc sẽ chậm hơn các nhóm hàng khác như đồ ăn, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc tại nhà, sức khoẻ người tiêu dùng, đồ chơi. 

Vinatex cho rằng trang phục lịch sự cho dịp lễ, đồ công sở nằm trong TOP 3 nhóm hàng tăng trưởng tốt nhất vào năm 2023

Sau khi suy giảm vì đại dịch COVID-19 trong năm 2020, đồ trang phục công sở đã phục hồi trở lại vào năm 2021 và 2022. Năm 2023 dự báo nhóm đồ trang phục sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng có thể chậm lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Gần 1/3 CEO hãng thời trang lớn của Mỹ đánh giá trang phục lịch sự (formalwear, occasion wear, business attire) cho những dịp đặc biệt dự kiến sẽ là phần hứa hẹn nhất trong rỏ hàng của họ, nằm trong TOP 3 hạng mục tăng trưởng hàng đầu vào năm 2023. 

Doanh số bán lẻ áo sơ mi và áo cánh (blouse), quần và váy không denim (non-denim) được dự đoán sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2022 – 2026 với tốc độ nhanh hơn mức tăng trong 10 năm trước đại dịch.

Yếu tố Trung Quốc mở cửa trở lại tác động thế nào đến dệt may?

Ngày 26/12/2022, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố các biện pháp hạ cấp kiểm soát COVID-19 bắt đầu từ ngày 8/1/2023, bao gồm ngừng yêu cầu du khách trong nước và nước ngoài phải cách ly.

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc sớm mở cửa trở lại có thể giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái trong năm 2023. Việc dự đoán thay đổi trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc thời điểm hiện tại vô cùng khó.

Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc, các nhà phân tích dự đoán số ca nhiễm Covid sẽ gia tăng có thể khiến các quan chức ở Trung Quốc phải suy nghĩ lại về lập trường chính sách của họ.

Vinatex cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ xuất khẩu của ngành nguyên liệu như ngành sợi tuy nhiên cũng có rủi ro khi giá hàng hoá toàn cầu bị đẩy lên cao và có thể gây lại áp lực cho chuỗi cung ứng. Bloomberg ước tính trường hợp trong trường hợp Trung Quốc mở cửa lại từ giữa năm 2023, giá năng lượng có thể tăng 20% và lạm phát của Mỹ có thể tăng lên 5,7% vào cuối năm 2023.

Về nhóm mặt hàng lưu ý trang phục lịch sự cho dịp lễ, đồ công sở nằm trong TOP 3 nhóm hàng tăng trưởng tốt nhất vào năm 2023

H.Mĩ