|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kì vọng cú bật phá của ngành đường hậu COVID-19

10:55 | 04/05/2020
Chia sẻ
Mặc dù vẫn đang khó khăn khi chịu tác động kép từ ATIGA, đường lậu và đại dịch COVID-19, ngành đường Việt Nam vẫn đang kì vọng sau khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tăng mạnh.

Ngành đường "khốn đốn" vì COVID-19

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành phải “khốn đốn” khi hoạt sản xuất, đi lại bị hạn chế. Điều này tác động trực tiếp đến ngành đường vốn đang rất khó khăn khi hiệp định ATIGA có hiêu lực.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư kí Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời gian qua lệnh giãn cách xã hội đã buộc trường học tạm thời đóng cửa, nhiều lễ hội buộc phải hủy khiến nhu cầu tiêu dùng nói chung và mặt hàng đường nói riêng giảm sút.

Kì vọng cú bật phá của ngành đường hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư kí Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

“Mặc dù trong thời gian dịch COVID-19 diến biến phức tạp, các đường biên được thắt chặt và đường lậu khó vào Việt Nam, nhưng điều này cũng không thể bù lại so với nhu cầu bị giảm sút. Từ đầu năm đến nay (giữa tháng 4) các doanh nghiệp gần như không bán được hàng. Nếu bán thì chỉ bán nhỏ giọt, không có đơn hàng nào xuất đi quá lớn”, ông Lộc cho biết.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy Chế biến đường của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết việc giãn cách xã hội khiến dịch vụ ăn uống, nhà máy chế biến bánh kẹo tạm dừng. Do đó, tính từ đầu năm đến cuối tháng 4 lượng đường tiêu thụ của mía đường Sơn La sụt giảm hết sụt giảm tới 50% so với cuối năm 2019.

“Hiện tại công ty còn đang tồn kho 40.000 tấn đường. Chúng tôi cũng đã có những đơn hàng từ tháng 2, thời điểm vẫn đang chớm dịch, nhưng vẫn chưa giao vì sau đó dịch bệnh bùng phát mạnh. Có những khách hàng đã trả tiền nhưng cũng có khách chưa trả”, ông Tài nói. 

Kì vọng cú bật phá của ngành đường hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất đường của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Ảnh: Đức Quỳnh

Ngoài ra, dịch COVID-19 còn gián tiếp khiến xóa đi thành quả giá đường tăng hồi đầu năm nhờ sản lượng đường nhiều nước lớn trong đó có Thái Lan, Ấn Độ giảm do chịu tác động của thời tiết tiêu cực.

Theo đó, dịch bệnh khiến hoạt động đi lại trên toàn thế giới giảm kéo theo giá dầu thô lao dốc, đỉnh điểm là hôm 20/4 khi giá dầu WTI giảm xuống -37 USD/thùng. 

“Việc giá dầu thô lao dốc chưa từng có khiến Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, trước đây sử dụng một phần mía để sản xuất ethanol nay chuyển hết sang sản xuất đường. Họ dùng dầu thô để điều chế xăng thay vì ethanol do chi phí rẻ. Điều này kéo theo nguồn đường vốn đang dư thừa nay càng lớn hơn”, ông Lộc cho biết.

Theo ông Lộc hiện nay chỉ còn 29 nhà máy đường còn tồn tại, giảm 12 nhà máy so với năm 2017. 

“Do chịu tác động của đường lậu, ATIGA, COVID-19, nên 1/3 nhà máy đã phải dừng đóng cửa. Còn lại 29 nhà máy sức chịu đựng tốt hơn thì vẫn trụ được. 

Đường không bán được nhưng doanh nghiệp vẫn phải nghiến răng nghiến lợi nâng giá mía cho nông dân nếu không thì không có mía để sản xuất cho vụ tới. Nếu không có giải phải kịp thời ngành đường cũng sẽ không thể tồn tại”, ông Lộc nhận định.

Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.000 đồng/tấn, có nơi thậm chí lên 950.000 đồng/tấn nhằm khuyến khích bà con giữ mía cho vụ tới.

Tuy nhiên, điều này kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg so với ước tính đầu vụ.

Việc xuất khẩu đường sang một số nước khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cảng xuất nhập khẩu tại một số quốc gia châu Âu vẫn bị đóng, hàng hóa phải chuyển bằng đường vòng qua các cảng vẫn mở, dẫn đến việc tốn thêm thời gian và giá sản phẩm tăng. 

Kì vọng nhu cầu đường sẽ tăng sau khi hết dịch COVID-19

Một số công ty đang kì vọng sau khi dịch COVID-19 qua đi các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất phục hồi mạnh mẽ và nhu cầu đường sẽ tăng. Ngoài ra, mùa hè cũng là thời gian cao điểm của tiêu thụ đường.

Ông Tài cho biết: "Chúng tôi đang rất kì vọng vào mùa hè năm nay. Nếu đại dịch vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay, kèm theo các dịp lễ như tết thiếu, rằm trung thu, hoạt động văn hóa, xã hội phục hồi, nhu cầu đường để sản xuất đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm sẽ tăng rất mạnh. Các nhà máy chế biến trước kia hoạt động dè chừng nay cũng đang khôi phục dần sản xuất".

Ông Tài cho biết công ty đã tăng giá mía thêm 50.000 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn để khuyến khích bà con tăng cường trồng mía cho niên vụ tới.

Kì vọng cú bật phá của ngành đường hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Cánh đồng trồng mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Ảnh: Đức Quỳnh

Đối với hoạt động xuất khẩu, đại diện của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết công ty đang nỗ lực hết mình bằng việc phối hợp hợp tác chiến lược với các đối tác logistic chuyên nghiệp để tối ưu hóa hoạt động phân phối, đưa các sản phẩm đường chất lượng cao đến cho người tiêu dùng toàn cầu với giá tiêu dùng tốt nhất.

Ngoài ra, công ty cũng đa dạng hóa dãy sản phẩm chính, được triển khai xuyên suốt cho tất cả các kênh khách hàng, nghĩa là không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp giải pháp. 

Đối với kênh MNC (những đối tác là các tập đoàn đa quốc gia), công ty sẽ cung cấp các dòng sản phẩm theo từng đặc thù sản xuất cho từng kênh khách hàng trên tiêu chii tiết giảm chi phí và gần gũi với hệ thống công nghệ của đối tác. 

Với kênh tiêu dùng B2C, công ty sẽ mang đến những sản phẩm bắt kịp xu hướng ẩm thực hiện đại như đường Organic Biên Hòa, đường sạch Cô Ba, đường vàng Cô Ba, đường lỏng Mía Xanh, nước màu Bếp Xưa, Đường đen Nữ Hoàng...

Trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm đường mới với chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói phù hợp với tất cả các đối tượng khác nhau. Song song đó là đẩy mạnh phát triển sản phẩm cạnh đường - sau đường công nghệ cao, chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lộc, giải pháp chung cho toàn bộ ngành đường để vượt qua thời gian tới chính là việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tỉ lệ thu hồi tốt hơn nữa. 

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước để ngành đường vượt qua khó khăn thời kì COVID-19 và tác động của ATIGA, đường nhập lậu.

Đức Quỳnh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.