|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khu vực Đại Trung Hoa thống trị xuất khẩu chip toàn cầu

06:23 | 22/08/2022
Chia sẻ
Trước sự lớn mạnh của ngành sản xuất chip tại Trung Quốc, Mỹ đã phải thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm củng cố vị thế của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật mang tính bước ngoặt cho phép trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ, nhằm thúc đẩy nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc.

Nhà Trắng cho biết việc thông qua dự luật giúp thúc đẩy các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất chip, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt chip dai dẳng vốn ảnh hưởng đến nhiều ngành từ sản xuất ô tô, đồ gia dụng cho đến trò chơi điện tử.

Dự luật mới còn bao gồm mức ưu đãi thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, với ước tính có trị giá 24 tỷ USD. Ngoài ra, dự luật dành 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy các nghiên cứu khoa học của Mỹ để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc Đại lục, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đang nắm vị thế thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu, với việc kiểm soát một nửa thị trường xuất khẩu chip thế giới.

Số liệu từ Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade) cho thấy kim ngạch xuất khẩu microchip (vi mạch) của toàn bộ khu vực Đại Trung Hoa đạt gần 400 tỷ USD trong năm 2020.

Trong cùng năm, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ chỉ đạt 44 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc, song vẫn đứng thứ 7 thế giới. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của “gã khổng lồ châu Á” tiếp tục tăng và đạt gần 522 tỷ USD, trong khi con số của Mỹ chỉ vào khoảng 53 tỷ USD.

 

Nhìn lại lịch sử, vào năm 1990, Mỹ vẫn sản xuất gần 40% chất bán dẫn toàn cầu, mức sản lượng của châu Âu cũng gần tương đương. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của các cơ sản sản xuất có chi phí thấp hơn tại châu Á đã tạo ra một xu hướng làm thay đổi nhanh chóng nguồn gốc của chất bán dẫn.

Tính đến năm 2000, Mỹ và châu Âu cùng nhau đóng góp hơn 40% hoạt động sản xuất chip toàn cầu, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm hầu hết phần còn lại. Đến năm 2020, Đại lục đã mở rộng sản xuất để chiếm 25% sản xuất chip toàn cầu và tước đi thị phần của các đối thủ tại Mỹ, châu Âu, châu Á trong cùng thời gian.

Khi vấn đề gián đoạn nguồn cung gây ra tình trạng thiếu chip trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia bắt đầu khởi động các sáng kiến thúc đẩy sản xuất nội địa. Trước Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo các biện pháp để tăng cường sản xuất chất bán dẫn tại thị trường trong nước.

Trà My