|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không thể gồng lỗ vì giá xăng dầu, doanh nghiệp rục rịch tăng giá dịch vụ, sản phẩm

14:18 | 11/03/2022
Chia sẻ
Trước áp lực giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải đang rục rịch tăng giá dịch vụ vì không thể gồng lỗ thêm nữa. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng dự kiến tăng giá bán sản phẩm vì cước vận tải, chi phí sản xuất phi mã.

Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá vé

Những ngày qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách như ngồi trên đống lửa khi theo dõi tình hình giá xăng dầu trong nước. Trước thông tin giá xăng sẽ tăng lên 30.000 đồng/lít, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch tăng giá dịch vụ vì không thể cầm cự thêm nữa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: "Chúng tôi thực sự không muốn và rất ngại điều chỉnh.

Bởi một lần thay đổi bảng giá, doanh nghiệp taxi sẽ mất phí đăng kiểm 100.000 đồng cho đồng hồ tính tiền, 30.000 - 40.000 đồng/bộ tem niêm yết giá cước, chưa kể xe phải dừng hoạt động trong lúc chờ thay đổi bảng giá".

Không thể gồng lỗ vì giá xăng dầu, doanh nghiệp rục rịch tăng giá dịch vụ, sản phẩm - Ảnh 1.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Tuy nhiên, giá xăng dầu chiếm 30-40% chi phí cấu thành cước taxi. Do vậy, doanh nghiệp taxi đang xem xét việc điều chỉnh giá. Nếu vào kỳ điều hành ngày 11/3, giá xăng dầu tiếp tục tăng lên 30.000 đồng/lít, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá dịch vụ.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin hiện, hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch tăng giá cước. Nếu giá xăng dầu tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với đầu năm như Bộ Công Thương dự báo, giá cước sẽ tăng khoảng 15% so với bảng giá hiện tại.

"2 năm qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến chúng tôi rất khó khăn, không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi, doanh thu sụt giảm 80%.

Tăng giá dịch vụ là quyết định rất khó khăn với doanh nghiệp bởi nền kinh tế đang phục hồi mà doanh nghiệp tăng giá thì khách hàng không dám đi, nhưng nếu không tăng thì chúng tôi càng chạy càng lỗ. Đường nào cũng khó cho doanh nghiệp", ông Hùng cho biết.

Bộ Tài chính chốt dự thảo, đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít, kg; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Song, ông Hùng cũng kỳ vọng việc giảm thuế môi trường sẽ giúp bảng giá dịch vụ mới không tăng sốc, doanh nghiệp có thể vừa giữ khách, vừa duy trì hoạt động.

Nhanh chân hơn hơn các doanh nghiệp cùng ngành, hãng xe công nghệ Grab Việt Nam đã bắt đầu tăng giá cước một số dịch vụ kể từ ngày 10/3.

Cụ thể, giá cước gọi xe ô tô GrabCar 4 chỗ tại TP HCM và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng.

Dịch vụ GrabBike tại TP HCM ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Tương tự ở Hà Nội, giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.

Trước áp lực giá xăng dầu, Grab Việt Nam là hãng xe công nghệ tăng giá dầu tiên trong khi các hãng khác như Gojek và BeGroup chưa có động thái gì.

Giám sát thị trường, ngăn tình trạng "té nước theo mưa"

Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng nặng nề nhất với các doanh nghiệp vận tải, logistics song cũng gián tiếp đẩy nguyên liệu, chi phí sản xuất của nhiều ngành khác, điển hình như lúa gạo.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết giá xăng dầu tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh ở khâu vận chuyển, sử dụng máy móc... chưa kể giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào cũng phi mã.

 "Nếu giá cả cứ tăng như vậy, doanh nghiệp phải tăng giá bán. Tuy nhiên, việc tăng giá còn phụ thuộc vào nhu cầu đầu ra, nếu nhu cầu lớn, thị trường khả quan thì chúng tôi mới điều chỉnh được. Còn nhu cầu giảm, sản phẩm tăng giá sẽ dẫn tới chuyện khó tìm đầu ra", ông Bình nói.

Không thể gồng lỗ vì giá xăng dầu, doanh nghiệp rục rịch tăng giá dịch vụ, sản phẩm - Ảnh 3.

Cước vận tải tăng theo giá xăng dầu, gây áp lực cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. (Ảnh: Báo Pháp Luật TP HCM)

Hiện nay, 50% sản lượng gạo của Trung An được dành cho xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa như chế biến, gạo thơm cho tiêu dùng.

Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã xuất lô gạo hơn 11.000 tấn sang Hàn Quốc cùng với nhiều lô hàng gạo thơm tới thị trường châu Âu, Trung Đông. Dù đơn hàng lớn, giá trị cao song lợi nhuận doanh nghiệp lại không được bao nhiêu bởi cước vận tải, chi phí sản xuất phi mã theo giá xăng dầu.

Trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết khi giá xăng dầu tăng cao sẽ đội chi phí sản xuất, nguyên liệu thì việc doanh nghiệp tăng giá sản phẩm là điều dễ hiểu.

Song, giá xăng dầu chiếm 30 – 35% cơ cấu giá thành của doanh nghiệp vận tải nhưng chỉ chiếm vài phần trăm đối với các doanh nghiệp khác. Bởi thực tế đã nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhỏ nhưng lại tăng 10 – 15% giá sản phẩm để hưởng lợi.

Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt là Cục Quản lý giá phải giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng "té nước theo mưa", không chịu tác động nhiều vẫn tìm cách tăng giá cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Phạm Mơ