'Không quá tiết kiệm' mới là chiến lược tiết kiệm khôn ngoan
Theo chia sẻ trên Business Insider, Jen Glantz – một nữ doanh nhân, tác giả và chuyên gia tài chính cá nhân quyết định cần dành thời gian để tập trung vào tài chính của mình. Cô đã phải thực hiện nhiều thay đổi trong công việc kinh doanh của mình với tư cách là một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh tiệc cưới, vì rất nhiều khách hàng đã hoãn lễ cưới hoặc quyết định làm lễ đơn giản, gọn nhẹ. Glantz cũng phải thay đổi chiến lược về cách thay đổi chi tiêu và tiết kiệm do thu nhập giảm mạnh.
Đại dịch COVID-19 là lần đầu tiên trong đời Jen Glantz quyết định nghiêm túc tạo ra một ngân sách hàng tháng thực tế và gắn bó với nó. Cô đã vạch ra một cách tỉ mỉ số tiền cho phép mình chi tiêu cho các hạng mục khác nhau trong cuộc sống mỗi tháng – từ chi phí mua nhu yếu phẩm, quần áo đến đồ ăn cho thú cưng.
Sau khi dành hai năm để tuân thủ nghiêm ngặt ngân sách, Jen Glantz quyết định rằng chế độ tiết kiệm quá khắt khe thực sự rất khó theo kịp. Đó là lý do tại sao vào đầu năm 2023, cô quyết định làm điều gì đó khác biệt. Thay vì đặt cho mình một mục tiêu chi tiêu cho các mục đích khác nhau trong cuộc sống, Glantz đang tập trung vào việc đạt được các mục tiêu tiết kiệm hàng tuần.
Đặt mục tiêu hàng tuần về số tiền cần tiết kiệm
Là một doanh nhân, thu nhập hàng tháng của Jen Glantz dao động tương đối lớn và phụ thuộc vào số lượng khách hàng mới. Để tạo mục tiêu tiết kiệm thực tế, cô lấy thu nhập trung bình hàng tháng mà tôi kiếm được trong năm trước và lấy đó làm chuẩn cho năm nay. Sau đó, cô quyết định rằng mình muốn tiết kiệm ít nhất 1/3 số tiền đó mỗi tháng.
Để biến điều đó thành hiện thực, Glantz quyết định đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi tuần. Ví dụ, nếu thu nhập hàng tháng của cô là 5.000 USD, cô đặt mục tiêu tiết kiệm 1.666 USD mỗi tháng và mục tiêu hàng tuần là 416 USD.
Vì thu nhập được gửi vào tài khoản ngân hàng nên Jen Glantz sẽ bắt đầu tuần mới bằng cách lấy 416 USD và chuyển nó vào tài khoản tiết kiệm có nhãn "tiết kiệm hàng tuần" để nó được đặt sang một bên và sẽ tách biệt với phần thu nhập còn lại. Số tiền còn lại được chi cho hóa đơn, tiền thuê nhà và các chi phí khác trong suốt tháng.
Tự thưởng cho bản thân bằng những khoản “trợ cấp”
Bên cạnh đó, Jen Glantz cũng đặt giới hạn chi tiêu cho mỗi tuần để biết tổng số tiền được phép chi tiêu cho tất cả các hạng mục. Cô xem đây như một khoản trợ cấp, và nếu bất ngờ chi tiêu nhiều hơn trong tuần đó, cô sẽ ngay lập tức giảm trợ cấp vào tuần tiếp theo.
Bằng cách đó, cô có thể duy trì mục tiêu tiết kiệm của mình trong tháng đồng thời đặt giới hạn chi tiêu giúp kiểm soát được tài chính của bản thân nhưng không giới hạn số tiền có thể chi cho mỗi mục đích hàng ngày.
Jen Glantz giải thích rằng cô coi đây là một cách tiết kiệm hiệu quả bởi vì trong thực tế, khi cô tuân theo kế hoạch ngân sách, một số tháng cô sẽ chi 0 đồng cho mua sắm quần áo và gần như bội chi ngân sách thực phẩm. Nếu mở rộng ngân sách thực phẩm và lấy số tiền đó từ ngân sách quần áo, cô sẽ tránh được việc cứ mỗi cuối tháng lại phải vật lộn cho khoản chi tiêu ăn uống, thực phẩm.
Bằng chính sách trợ cấp này, cô biết trước mình có tổng cộng bao nhiêu mỗi tuần nên chỉ chi tiêu khi thực sự cần thiết và có thể linh động điều chỉnh, không phải tuân theo lượng tiền cố định cho mỗi khoản chi. Điều này mang lại cho Glantz nhiều tự do hơn và ít hạn chế hơn trong việc chi tiêu hàng tháng, đồng thời vẫn trung thực với mục tiêu tiết kiệm tổng thể.
Thực hiện check-in cuối tuần
Vào cuối mỗi tuần, Jen Glantz theo dõi chi tiêu của mình để tính xem cần bao nhiêu tiền mặt để trang trải các chi phí cho thời gian còn lại của tháng. Đó là cách cô xác định giới hạn chi tiêu của mình cho tuần tới. Nếu cô nhận thấy rằng cô có một tuần tiêu nhiều tiền hơn bình thường, cô sẽ ghi nhớ và tìm mọi cách giảm trong tuần tới và đảm bảo mục tiêu tiết kiệm tiền sẽ không bị ảnh hưởng.
Sau khi làm điều này trong một tháng, cô đã có thể bám sát mục tiêu tiết kiệm của mình đồng thời kiểm soát và tiết chế chi tiêu hiệu quả trong khi vẫn đáp ứng lối sống và nhu cầu cá nhân.