Quên 50/30/20 đi, cách lập ngân sách ngày nay đã khác rồi
Lập ngân sách là một cách tuyệt vời để kiểm soát thu nhập của bạn nhưng có hàng tá lời khuyên về vấn đề này. Việc của bạn là làm sao để tìm ra nguyên tắc, kế hoạch ngân sách phù hợp nhất với mình.
Dani Pascarella, chuyên gia CFP và là người sáng lập công ty tư vấn tài chính OneEleven Financial cho biết: "Nó không nhất thiết phải là một kế hoạch chi tiết và tốn thời gian. Có nhiều cách để bạn khiến cho việc lập ngân sách đơn giản và dễ dàng hơn.
Theo Business Insider, thay vì nguyên tắc 50/30/20 như trước đây, ngày nay, nhiều chuyên gia tài chính khuyên khách hàng của mình thực hiện kế hoạch ngân sách 70/20/10 vì nó phù hợp hơn cho những ai mới bắt đầu lập ngân sách.
Nguyên tắc lập ngân sách 70/20/10 là gì?
Giống như các hướng dẫn lập ngân sách khác như quy tắc 50/30/20, nguyên tắc ngân sách 70/20/10 cung cấp một kế hoạch lập ngân sách dễ thở hơn. Hướng dẫn ngân sách 70/20/10 chia thu nhập sau thuế của bạn thành 3 loại: Chi tiêu hàng tháng, tiết kiệm, trả nợ hoặc quyên góp.
1. Sử dụng 70% thu nhập của bạn cho những mong muốn và nhu cầu cá nhân
Không giống như hầu hết các phương pháp lập ngân sách phổ biến chỉ tập trung vào phân tách chi phí sinh hoạt và chi tiêu tùy ý của bạn thành 2 danh mục khác nhau, ngân sách 70/20/10 tập trung cả hai thành một danh mục. Bởi vì không có ranh giới nào ngăn cách nhu cầu của bạn với mong muốn của bạn, bạn có thể chi tổng thể 70% thu nhập cho các chi phí cố định (nhà cửa, ăn uống, hóa đơn điện nước,…) và những khoản chi tiêu cho sở thích như đi ăn hàng, đi du lịch ngắn ngày.
2. Dành 20% để tiết kiệm và đầu tư
Trong khi đó, nguyên tắc lập ngân sách 70/20/10 cũng cho phép bạn dành 20% tổng thu nhập của mình vào các khoản đầu tư hoặc tiết kiệm. Bạn có thể chuyển thu nhập của mình vào quỹ khẩn cấp nếu bạn chưa có quỹ này, hoặc tận dụng lãi kép thông qua tài khoản tiết kiệm lãi suất cao. Điều này không chỉ đảm bảo bạn sẽ có tiền khi cần mà về tổng thể, bạn sẽ có thêm thu nhập (từ lợi nhuận).
3. Dành 10% còn lại để trả nợ hoặc quyên góp
10% cuối cùng trong kế hoạch ngân sách của bạn nên được dành cho việc trả bớt nợ (nếu có) hoặc bạn cũng có thể cân nhắc cho các kế hoạch quyên góp tiền. Khi nói đến nợ, danh mục này dành cho các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán ngay lập tức hoặc các khoản thanh toán tối thiểu thường nằm trong chi phí hàng tháng của bạn, chẳng hạn như thanh toán nợ thẻ tín dụng hoặc thanh toán khoản vay mua xe, trả góp.
Mục tiêu quyên góp của quy tắc lập ngân sách 70/20/10 là điều làm cho nguyên tắc này trở nên độc đáo, vì hầu hết các nguyên tắc lập ngân sách không bao gồm khoản đóng góp một cách rõ ràng liên quan tới hoạt động từ thiện hoặc hỗ trợ. Các khoản quyên góp này có thể bao gồm từ thiện cho các tổ chức, hoạt động thiện nguyện nói chung hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho cha mẹ, người thân.
Làm thế nào để biết liệu ngân sách 70/20/10 có phù hợp với bạn hay không?
Chuyên gia tài chính Pascarella nói rằng ngân sách 70/20/10 chủ yếu dành cho những người mới bắt đầu lập ngân sách vì tính đơn giản của nó. Điều này đặc biệt quan trọng khi cách duy nhất để học cách lập ngân sách là chủ động tìm kiếm.
"Hầu hết các trường học không dạy về tài chính cá nhân. Vì vậy, đa số mọi người đều ở trong tình huống mà họ cảm thấy như mọi người xung quanh đều biết điều này còn bản thân thì vẫn chẳng biết gì cả", Pascarella nói. Tốt nhất, bạn nên phát triển một kế hoạch ngân sách phức tạp hơn và chi tiết hơn về lâu dài nhưng 70/20/10 đơn giản để thực hiện sẽ giúp bạn có khởi đầu tốt.
Ngân sách 70/20/10 với khoản hỗ trợ được gợi ý lên tới 10% cũng rất hấp dẫn đối với những người có ý thức xã hội. Tuy nhiên, Pascarella khuyên rằng bạn nên ổn định về tài chính trước khi cho người khác. "Một khi bạn cảm thấy yên tâm, đó là lúc bạn phải nói 'được rồi, bây giờ làm sao tôi có thể trả ơn và giúp đỡ người khác?'. Thế nhưng, nếu cốc của bạn không đầy, bạn sẽ rất khó để đưa cho những người xung quanh mình", cô nói.
Các hạn chế khi tuân thủ nguyên tắc lập ngân sách 70/20/10
Giống như hầu hết các nguyên tắc lập ngân sách, quy tắc lập ngân sách 70/20/10 cũng đi kèm với những "cạm bẫy".
Đầu tiên, ai cũng biết rằng việc để tiết kiệm là quan trọng trong bất kỳ nguyên tắc lập ngân sách nào, Pascarella nói rằng việc đặt 30% thu nhập để tiết kiệm là rất tích cực nhưng với một số người có thu nhập thấp thì 30% vẫn có thể là quá nhiều. Dù vậy, bạn có thể tự động viên mình rằng sự ổn định tài chính không thể hoàn thành được trong một ngày và không kế hoạch tiết kiệm nào là hoàn hảo.
Bên cạnh đó, nguyên tắc ngân sách 70/20/10 cũng không tách biệt giữa chi tiêu cố định và giải trí. Đôi khi, điều này sẽ khiến bạn chi tiêu quá nhiều cho cả những chi phí không thực sự cần thiết. Ngoài ra, có những trường hợp cụ thể bạn sẽ phải ưu tiên trả nợ trong khi thu nhập thấp thì 10% là không đủ.
Nguyên tắc lập ngân sách 70/20/10 có thể hữu ích nhất cho người mới bắt đầu, theo thời gian, bạn sẽ cần đến những nguyên tắc chi tiết và chính xác hơn.