|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không ồn ào, phô trương, ba nữ doanh nhân này vẫn ngự trị trên đỉnh cao khiến phần còn lại phải ngả mũ thán phục

09:34 | 20/10/2019
Chia sẻ
Giữa thương trường, nơi từ lâu được xem là chịu sự áp đảo của nam giới, ba người phụ nữ này không những giành được chỗ đứng mà còn dẫn dắt doanh nghiệp đứng đầu mỗi lĩnh vực mà mình tham gia. Con đường họ đi qua, mang đậm tính cách thận trọng của những người phụ nữ làm ăn thật, vun vén và chắt chiu...

Mai Kiều Liên - Nữ doanh nhân với "thành tựu trọn đời"

Cao nguyên Xiengkhouang, Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nơi đặc trưng bởi những ngọn đồi và đồng cỏ, sớm thôi một trang trại bò sữa organic sẽ được xây nên tại vùng đất này. Đây là dự án liên doanh giữa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và các đối tác từ Nhật Bản, Lào.

Xiengkhouang trong tiếng Lào có nghĩa là "thành phố phía chân trời" và đúng như tên gọi đó, nó đã được Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên, 66 tuổi, chọn để mở ra một chân trời mới cho Vinamilk, nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam. Dự án với vốn đầu tư có thể lên tới 500 triệu USD, được kì vọng sẽ là vùng nguyên liệu sữa tươi organic chuẩn quốc tế cung cấp không chỉ cho thị trường Việt Nam, mà cả khu vực Châu Á.

Vinamilk tiền thân là Công ty Sữa - Cà phê Việt Nam, ra đời năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất. Ngành sữa trong nước khi đó manh mún, thiếu nguyên liệu và thậm chí không có đàn bò.

Hơn 40 năm sau, Vinamilk đã sở hữu 12 trang trại bò sữa tại Việt Nam, tổng đàn bò 27.000 con tính đến cuối năm 2018. Dưới sự dẫn dắt của nữ tướng Mai Kiều Liên, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 52.600 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.200 tỉ đồng trong năm 2018.

mai kieu lien thanh tuu tron doi

Tháng 10/2018, Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố giải thưởng "thành tựu trọn đời" và người duy nhất được xướng tên chính là bà Mai Kiều Liên.

Là người đã thay đổi bộ mặt ngành sữa Việt Nam, bà Liên từng chia sẻ vào những ngày đầu có lúc đã thất vọng khi được chọn đi học ngành này. Từng muốn đổi ngành, nhưng được lời khuyên từ người cha rằng "sau khi chiến tranh việc cần thiết là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và sữa chính là chìa khóa làm chuyện này", bà Liên lúc đó mới xác định sẽ theo đuổi ngành sữa một cách nghiêm túc.

Trở về quê hương, từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và rồi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992. Bà đóng góp to lớn trong hành trình phát triển của Vinamilk, trở thành anh hùng lao động thời kì đổi mới.

Là một người vợ, người mẹ và đồng thời đảm nhận vị trí thuyền trưởng của một doanh nghiệp vốn hóa 10 tỉ USD, bản thân bà Mai Kiều Liên tự nhận mình không có bí quyết gì đặc biệt. Theo bà, thành công đạt được chỉ đơn giản là vì bà cùng những người chung quanh mình luôn tạo ra sức mạnh đoàn kết, sáng tạo hướng về lợi ích chung.

Vinamilk từng tham vọng bất thành trong việc trở thành tập đoàn thực phẩm qui mô lớn. Nhưng sau tất cả, điều đó có lẽ là động lực để bà Liên tạo thêm nhiều giá trị trong ngành cốt lõi, sữa.

Vị Tổng Giám đốc có phương châm lao động hết mình với cường độ cao nhất, cộng với sự sáng tạo không ngừng, dám nghĩ, dám làm. Bà Liên không thích sự lặp lại hay đi theo lối mòn. Vinamilk cũng là đơn vị đầu tiên nhập khẩu bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand, Mĩ về Việt Nam.

Khi mà mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người trên 97 triệu người dân Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực, cùng với việc mức thu nhập người dân đang tăng và dân số trẻ, bà Liên tự tin vào tiềm năng phát triển của Vinamilk và ngành sữa nói chung.

Không chỉ nhắm đến trong nước, Vinamilk dưới sự dẫn dắt của nữ thuyền trưởng Mai Kiều Liên cũng đang tiến ra nước ngoài. Trong năm 2018, 15% doanh thu tương ứng gần 7.900 tỉ đồng của doanh nghiệp đến từ thị trường quốc tế.

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh

Nói đến việc làm ăn ở nước ngoài, một người phụ nữ khác cũng tạo nên được thành tích đáng nể, không thể không kể đến là bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của CTCP Vĩnh Hoàn.

truong thi le khanh anh

Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh.

Bà Khanh sinh năm 1961, tại An Giang trong gia đình có 4 anh chị em. Bà có 12 năm làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 1997, 2 năm sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, bà mở doanh nhiệp làm ăn riêng.

Cái tên Vĩnh Hoàn được bà Khanh chọn với mong muốn "đứa con" của mình sẽ là một công ty đa quốc gia và "tồn tại mãi trên khắp thế giới". Vị nữ Chủ tịch cho biết, "Vĩnh Hoàn là cây cầu nối quan trọng giữa những người nông dân địa phương và khách hàng toàn cầu".

Là phụ nữ làm kinh doanh, Bà Khanh luôn thận trọng trong từng bước đi, nhưng thương trường luôn đầy thử thách. Ở vị thế một nhà xuất khẩu lớn, Vĩnh Hoàn gặp phải những khó khăn vì các vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, cũng chính doanh nghiệp này đã góp phần làm thay đổi định kiến của nước ngoài đối với con cá tra Việt Nam.

Bà Khanh cũng cho thấy mình là người biết cách đối diện với thử thách. Năm 2003 là thời gian khó khăn nhất của Vĩnh Hoàn cùng nhiều doanh nghiệp khác, khi phải đối mặt vụ kiện chống bán phá giá từ Hiệp hội các nhà sản xuất cá da trơn Mĩ. Kiên cường đấu tranh, mức thuế sau cùng Vĩnh Hoàn nhận được là 0%.

Theo Forbes, đã từng có lần nữ Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh gặp đối thủ cạnh tranh nước ngoài và nói rằng: "Người Việt Nam rất giỏi đấu tranh trong công việc và trong cuộc sống. Chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng để bảo vệ lẽ phải!"

Xuyên suốt kể từ năm 2010 đến nay, chưa doanh nghiệp nội địa nào có thể giành lấy vị trí nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam của Vĩnh Hoàn.

Không những bày tỏ mong muốn vươn mình ra quốc tế, Vĩnh Hoàn cũng đang xây chắc bệ phóng của doanh nghiệp. Đầu năm 2019, bà Khanh khởi động dự án sản xuất giống cá tra công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa, An Giang. "Chúng tôi hướng đến giải quyết thách thức của ngành cá tra ở khâu yếu nhất - con giống", bà cho biết trong một thông điệp gửi đến cổ đông.

Cùng với đó, Vĩnh Hoàn đang vận hành các nhà máy trên một trục thông suốt, có thể phủ kín được nguồn nguyên liệu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long.

Một điều thú vị tại Vĩnh Hoàn, gọi đây là công ty nữ quyền cũng không sai, khi các vị trí nhân sự chủ chốt như thành viên HĐQT, Ban Giám đốc phần lớn là nữ. Và cũng vì vậy, "các con" hay "các em" là cách mà Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh thường gọi những cộng sự cấp dưới.

Sở hữu gần 43% cổ phần tại Vĩnh Hoàn, bà Khanh là nữ doanh nhân nghìn tỉ với việc sở hữu khối tài sản gần 3.200 tỉ đồng, chỉ tính trên thị trường chứng khoán.

Thành công và giàu có, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh vẫn là người mộc mạc, chân chất. Trong một buổi gặp gỡ với các chuyên viên phân tích từ các công ty chứng khoán và quĩ đầu tư, bà Khanh có lúc để chân trần trong khi mải trình bày về doanh nghiệp của mình.

"Bông hồng thép" Nguyễn Thị Mai Thanh

Khác với 2 vị nữ doanh nhân đã nói đến, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh có phần gai góc hơn, được mệnh danh là "bông hồng thép".

nguyen thi mai thanh

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE, bà Nguyễn Thị Mai Thanh.

Bà Thanh, sinh năm 1952, là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 16 tuổi bà đã tham gia làm y tá quân đội và "đã làm mọi thứ, chẻ củi, tải gạo, lội sông, lội suối như đàn ông". Nói về thời kì này, nữ Chủ tịch từng cho biết "đã luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để hòa cùng với mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác".

Sau chiến tranh, bà Mai Thanh được cử sang Đức học tập chuyên ngành cơ khí mảng điều hòa không khí. Trở về nước, từ năm 1982, bà tham gia Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh với vị trí kĩ sư. Và chỉ 3 năm sau đó, bà được chọn là người kế vị lo cho sinh kế của 200 con người. "Khi đó tôi đã sốc", bà hồi tưởng.

Từ xuất phát điểm đó, đến nay REE đã là một doanh nghiệp được thị trường định giá gần 11.400 tỉ đồng, mỗi năm tạo ra trên nghìn tỉ lợi nhuận cho cổ đông. Trên con đường kinh doanh của mình, bà Thanh với cá tính quyết đoán, thường là người thúc đẩy những thay đổi, tiên phong trong doanh nghiệp.

Những năm 1992 - 1993, vị nữ thuyền trưởng là người mạnh dạn xung phong cổ phần hóa doanh nghiệp, đưa REE này trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài.

Những năm sau đó, REE là công ty đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư ngoại vào năm 1997, và cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động năm 2000.

Những ngày đầu dẫn dắt, Bà Thanh đã đưa REE vượt qua cuộc khủng hoảng lương tiền năm 1986, nhờ quyết định đi vay vốn ngân hàng để nhập tủ lạnh cũ về tân trang rồi bán lại.

Những năm 1997 -1998, khủng hoảng tài chính Châu Á ập đến, với tầm nhìn xa, vị nữ Chủ tịch đã ngay lập tức sắp xếp lại sản xuất, sử dụng mặt bằng để đầu tư văn phòng cho thuê ngay giữa thời điểm kinh tế biến động. Khánh thành năm 2002, tòa E - Town đầu tiên với diện tích 30.000 m2, được lấp đầy chỉ sau 18 tháng đã tạo cú huých để REE trở lại quĩ đạo phát triển, đồng thời mở ra hướng kinh doanh tiềm năng cho nhiều năm sau đó.

Thương trường vẫn tiếp tục thử thách "bông hồng thép" Nguyễn Thị Mai Thanh vào năm 2008, năm khủng hoảng tài chính toàn cầu. REE lần đầu tiên báo lỗ trong một năm hoạt động kể từ ngày trở thành công ty niêm yết.

Vào một cuộc chất vấn sáng ngày 18/2/2009 tại Sàn Giao dịch Công ty Chứng khoán TP HCM, bà Thanh mở đầu: "Tổng Giám đốc là người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi xin nhận sự yếu kém này trước cổ đông."

Và cũng như những lần trước đó, nữ thuyền trưởng đương đầu và tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp. Giai đoạn 2009 - 2010, REE bắt đầu thoái vốn tại những khoản đầu tư ngắn hạn, tái cấu trúc định hướng đầu tư dài hạn vào ngành tiện ích như điện, nước. Ngay trong năm 2009, doanh nghiệp này báo lãi trở lại hàng trăm tỉ đồng.

Vượt qua khó khăn, đến nay bà Thanh cùng cộng sự đã xây dựng một danh mục đầu tư đồ sộ tại REE, gồm hàng chục công ty trải dài từ các ngành tiện ích cho đến bất động sản.

Trong năm 2018, hai mảng bất động sản và tiện ích này đem lại hơn 1.500 tỉ đồng lợi nhuận cho REE, chiếm 85% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đối với mảng truyền thống cơ điện lạnh, bà Thanh duy trì vị trí số một nội địa của REE, với doanh thu hơn 3.400 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 240 tỉ đồng.

Đời kinh doanh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh có thể tóm gọn lại trong một câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, rằng: "Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công. Hãy đánh giá tôi về số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại."

Nói về tố chất lãnh đạo của bà Mai Thanh, Dominic Scriven, Chủ tịch công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam - Dragon Capital từng đưa ra nhận xét: "Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định".

Còn theo ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc công ty Quản lý Quỹ SAM nói: "Bà Thanh hiểu biết về văn hóa Việt Nam và mau chóng thích nghi với văn hóa kinh doanh quốc tế. Bà cũng là người quyết đoán nhưng dịu dàng, linh hoạt khi cần thiết, rất phù hợp để hoạt động trong lĩnh vực quỹ đầu tư".

Đỉnh cao của những nhà kinh doanh thực 

Thương trường không bao giờ trải đầy cánh hoa hồng mà còn có chông gai và thử thách, dù cho người tham gia có là phụ nữ. Với ba người phụ nữ trên, hiện cả 3 công ty do họ lãnh đạo đang đứng trên đỉnh vinh quang nhất của thị trường, một cách vững chắc.

Với Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam với qui mô vốn hoá 10 tỉ USD; REE từ dẫn đầu mảng cơ điện lạnh đang trên đường trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng điện nước; trong khi Vĩnh Hoàn của bà Lệ Khanh là vua xuất khẩu cá tra tại Việt Nam ra thế giới. 

Họ chính là những người kinh doanh thực, bên cạnh tạo ra lợi nhuận bền vững mang lại lợi ích cho cổ đông, họ còn là những người âm thầm đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế mà họ đã tạo ra trên con đường kinh doanh của mình.

Trở nên giàu có nhờ tài năng và bản lĩnh của mình, nhưng điểm chung của cả 3 người phụ nữ này là chẳng ai thấy họ khoa trương bao giờ, thay vào đó là sự bình dị, mộc mạc. 

Bên cạnh vai trò của một doanh nhân, họ cũng là người mẹ, người vợ, họ vẫn dành thời gian và sự quan tâm cho những người mà họ yêu quí nhất, gia đình.

Thừa Vân

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...