Hai nữ lãnh đạo tạo lập sự phát triển cho ngành sữa Việt
Bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk là một cái tên gạo cội trong ngành sữa Việt. Trong suốt hơn 30 năm qua, dưới sự dẫn dắt của bà Liên, Vinamilk đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành sữa Việt.
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Sau này, gia đình bà đã quyết định trở về nước cống hiến. Từ bé, giấc mơ của bà là được đi theo nghiệp cha mẹ, nhưng cuộc đời lại sắp đặt bà Liên đi theo một ngành học khác là chế biến thịt và sữa.
Bà Liên được cửa sang Liên Xô du học. Năm 1976, bà tốt nghiệp kỹ sư về chế biến thịt và sữa, Đại học Moscow. Khi về nước bà Mai Kiều Liên đã có nhiều năm công tác ở các đơn vị như Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa - Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk).
Bà Liên cũng từng là kỹ sư công nghệ thuộc Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1. Trước khi phụ trách Vinamilk, bà đã từng đảm nhiệm vị trí trợ lý Giám đốc, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật phụ trách Sản xuất tại Nhà máy Sữa Thống Nhất.
Sau khi hoàn thành ngành học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô, bà Mai Kiều Liên trở về nước và làm việc tại Vinamilk. Bà từng làm Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, phụ trách lĩnh vực kinh tế, trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.
Trong những ngày đầu tiếp quản công ty, bà Liên đã bắt tay vào khôi phục ba nhà máy sản xuất sữa đã bị hư hỏng nhiều sau chiến tranh. Bà cũng góp phần đề ra các quyết sách cho cuộc "cách mạng trắng" để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước vào những năm 1990.
Trong hơn 15 năm sau đó, Vinamilk đã hình thành nên hệ thống 14 trang trại chuẩn quốc tế trên cả nước, quản lý đàn bò cung cấp sữa hơn 160.000 con, cho sản lượng 1 triệu lít sữa mỗi ngày. Ngoài ra, Vinamilk cũng đã xây dựng thành công hệ thống 13 nhà máy hiện đại, chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Với các đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp sữa trong nước và khu vực, bà Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017).
Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế lớn như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có đóng góp nổi bật cho nền kinh tế Việt Nam và khu vực.
Một cái tên khác cũng có tiếng trong ngành sữa Việt là nữ doanh nhân Thái Hương, song bà lại không có xuất phát điểm một người làm ngành sữa. Ý tưởng xây dựng thương hiệu TH True Milk của bà chợt lóe lên khi bà xem bản tin về hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận do sử dụng sữa bột nhiễm melamine tại Trung Quốc năm 2008. Sau đó, bà quyết định làm sữa tươi cho trẻ em Việt, cho người tiêu dùng Việt.
Bà Thái Hương sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, bà được phân công về Hải Phòng công tác, sau đó làm việc tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An. Sau 8 năm làm viên chức Nhà nước, bà quyết định ra làm riêng, lập Công ty TNHH Hương Hà.
Khi bắt tay vào sản xuất, kinh doanh ngành sữa, bà Hương mới nhìn thấy những lỗ hổng trong nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, sữa chế biến từ sữa bột pha lại được ghi trên nhãn mác là “Sữa tiệt trùng”. Trong khi, “Tiệt trùng” vốn là từ miêu tả công nghệ sản xuất, chứ không phải tên gọi của nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Với cách gọi “Sữa tiệt trùng”, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sữa tươi thật và sữa bột pha lại.
Những năm sau đó, bà Thái Hương đã dồn tâm sức nhằm minh bạch hóa thị trường sữa, cũng như áp dụng mô hình đồng bộ ngành chăn nuôi bò, từ chu trình nuôi dưỡng tới sản xuất: Giống bò sữa tốt; đồng cỏ, thức ăn tốt; chế độ dinh dưỡng tốt; quy trình vắt sữa tốt, bảo quản tốt.
Tháng 12/2010, dòng sữa tươi sạch tiệt trùng TH true MILK ra mắt thị trường và đến với người tiêu dùng Việt thông qua những sản phẩm sữa tươi, được sản xuất theo quy trình hiện đại khép kín “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.
“Những biến chuyển này không chỉ dừng lại ở minh bạch tên gọi sữa, minh bạch thị trường, mà đó là sự bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin về sản phẩm của người tiêu dùng; đồng thời giúp bảo vệ nông dân, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước cũng như hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài về pha lại”, bà Thái Hương từng nói.
Tổng thống Israel, ông Shimon Peres từng ca ngợi bà Thái Hương là "Người phụ nữ đã tạo ra một cuộc cách mạng về sữa tươi sạch tại Việt Nam". Ngoài ra, tạp chí danh tiếng Forbes cũng từng bình chọn bà vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực Châu Á nhiều năm liên tiếp.