|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không lo hụt hơi sau 2 vụ thôn tính, 'ông chủ' sở hữu Highland muốn Mỹ tiến

15:11 | 14/09/2019
Chia sẻ
Jollibee Foods Corp, thương hiệu thức ăn nhanh Philippines nổi tiếng với món "gà giòn vui vẻ" và mì spaghetti xiên xúc xích, tăng cường nỗ lực mở rộng tại Mỹ và Trung Quốc mà nhiều khả năng là thông qua các thương vụ M&A.
2

CEO Ernesto Tanmantiong (phải) và CFO Ysmael Baysa (trái) (Ảnh: Reuters)

Tham vọng "hốt bạc" ở thị trường Mỹ và Trung Quốc

Sau khi mua lại thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf (California) hồi tháng 7 và giành toàn quyền kiểm soát Smashburger (Denver) năm 2018, Jollibee muốn "cá kiếm" thêm 30% doanh thu tại Mỹ trong 10 năm tới, Reuters dẫn lời ban giám đốc của hãng thức ăn nhanh Philippines.

Bên cạnh đó, Jollibee cũng đặt mục tiêu nâng doanh thu ở thị trường Trung Quốc lên mức 30% tổng doanh số, trong khi ngay tại thị trường quê nhà sẽ giảm xuống còn 30%.

Chiến lược này đánh dấu một cuộc cải tổ lớn về nguồn doanh thu cho Jollibee và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa xuống 50% doanh số trong "trung hạn".

Theo Reuters, Jollibee đang xếp thứ 4 trong số các thương hiệu thức ăn nhanh đã niêm yết tại thị trường châu Á.

Trước khi mua lại Coffee Bean, thị trường Philippines chiếm đến 73% doanh số, trong khi Mỹ chiếm 15% và Trung Quốc 12%.

"Chúng tôi muốn mạo hiểm và mở rộng danh mục đầu tư", CEO Ernesto Tanmantiong của Jollibee tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn. "Ngoài kia đang có một cơ hội rất lớn".

Được định giá 4,8 tỉ USD và có 16 thương hiệu hoặc nhượng quyền thương mại dưới tên mình, Jollibee đặt mục tiêu có 6 thương hiệu ở Mỹ và Trung Quốc, tương tự như tại Philippines.

Ở thị trường Mỹ, Jollibee hiện sở hữu 5 thương hiệu, trong đó bao gồm cả chuỗi nhà hàng Jollibee và một khoản đầu tư nhỏ vào Tortas Frontera (do đầu bếp Michellin Rick Bayless điều hành và bán bánh sandwich có nguồn gốc từ Mexico tại ba cửa hàng ở sân bay O'Hare Chicago).

Đồng thời, Jollibee còn có ba thương hiệu tại Trung Quốc, gồm nhượng quyền thương hiệu Dunkin Donuts, chuỗi nhà hàng Yonghe King và Hong Zhuang Yuan.

1

Số thương hiệu mà Jollibee sở hữu cho đến thời điểm hiện tại. (Ảnh: Reuters)

Jollibee có quá mạo hiểm với kế hoạch "Mỹ tiến" sau khi chi nhiều tiền mua lại Smashburger và Coffee Bean?

"Ông chủ" đứng sau Highland thích mua lại các công ty qui mô nhỏ và làm ăn thua lỗ với mức giá thấp để khôi phục lại doanh nghiệp. Jollibee thường xuyên nhận được đề xuất kinh doanh nhưng phần lớn thương vụ mua lại thường xuất phát từ các chuyến đi "thử nghiệm" của Chủ tịch Tony Tan Caktiong, thay vì thông qua ngân hàng.

"Đa phần thương vụ mua lại của Jollibee diễn ra sau khi ông Tan Caktiong đến ăn tại một nhà hàng, thích thú với món ăn và hỏi 'Ai là người điều hành nơi này'", ông Erwin Elechicon, cựu giám đốc phụ trách hoạt động quốc tế của Jollibee cho hay.

Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định Jollibee có xu hướng mua lại các công ty nhỏ, giám đốc điều hành của thương hiệu này lại cho hay họ sẵn sàng mua lại bất kì cửa hàng nào miễn là thức ăn ở đó ngon miệng.

Tuy nhiên, họ thừa nhận trọng tâm hiện nay của Jollibee là gây dựng lại Smashburger và Coffee Bean - hai thương hiệu làm ăn thu lỗ và qui mô thương vụ mua lại lớn hơn giá trị thông thường mà Jollibee hay bỏ ra.

Cụ thể, Jollibee đã chi 210 triệu USD để mua lại Smashburger và 350 triệu USD (bao gồm nợ) để thâu tóm Coffee Bean.

"Jollibee chỉ nên thực hiện một thương vụ mua lại khác ở cùng qui mô của hai hợp đồng trên cho đến khi Smashburger và Coffee Bean có lãi", ông Renzo Louie Candano, nhà phân tích tại DBP-Daiwa Capital Markets (Manila), nhận định.

Mặc dù vậy, Jollibee cho hay họ không "trèo cao" hay lo ngại rằng bất kì thị trường mục tiêu của hãng sẽ bão hòa, hoặc họ không thể cạnh tranh với các công ty đối thủ như Starbucks.

"Mỗi nhà hàng ở Philippines đều có gà rán, còn ở Việt Nam cứ mỗi con phố lại có 10 quán cà phê. Trong bối cảnh cạnh tranh này, luôn có một hoặc hay tay chơi bật lên", CFO Ysmael Baysa phân tích.

Ông cũng lưu ý, Coffee Bean có mức độ hiện diện lớn tại khu vực Đông Nam Á và Trung Đông - hai khu vực mà văn hóa cà phê vẫn có chỗ để phát triển. Chuỗi cửa hàng Highland tại Việt Nam thậm chí đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 32% vào năm ngoái.

Yên Khê