|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ Highlands Coffee và chiến lược tăng tốc trong bão COVID

20:43 | 27/09/2021
Chia sẻ
Chủ sở hữu Highlands Coffee tiếp tục đưa mảng kinh doanh vượt ra ngoài lĩnh vực thức ăn nhanh, tích cực vươn ra toàn cầu với các thương vụ M&A.
Ông chủ Highlands Coffee và chiến lược tăng tốc trong bão COVID - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng Highlands Coffee tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Thiên Trường).

Gã khổng lồ đồ ăn nhanh Philippines - Jollibee Foods, đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Highlands Coffee, đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng ngay trong đại dịch với việc tích cực mua lại các thương hiệu toàn cầu, theo Nikkei Asia.

Tháng 8, công ty cho biết họ sẽ mua 15% cổ phần còn lại của chuỗi nhà hàng Tim Ho Wan từ đối tác Titan Dining với giá 71,56 triệu USD Singapore, tức khoảng 52,8 triệu USD Mỹ. Trước đó, Jollibee Foods đã mua 45% cổ phần Tim Ho Wan với giá 45 triệu USD Singapore vào tháng 5/2018 và sau đó tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 85% vào tháng 10/2020.

Tim Ho Wan là chuỗi nhà hàng nổi tiếng Hong Kong, được nhận sao Michelin, được biết đến với các món ăn lót dạ giá rẻ nhưng chất lượng cao. Khi Jollibee Foods lần đầu tiên mua cổ phần, các cửa hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chuỗi này đang thuộc quyền điều hành của Titan Dining. Nhưng sau đó, Titan Dining đã mua lại toàn bộ thương hiệu và nhượng quyền của Tim Ho Wan.

Tim Ho Wan có 50 cửa hàng chủ yếu theo phương thức nhượng quyền trên khắp châu Á, chủ yếu tại Singapore, Đài Loan, Hong Kong và Philippines. Kể từ khi Jollibee Foods bắt đầu mua cổ phần, chuỗi đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình tại Đại lục.

Một liên doanh giữa Jollibee Foods và Titan đã mở một nhà hàng Tim Ho Wan tại Thượng Hải, cửa hàng đầu tiên của chuỗi tại Trung Quốc vào tháng 9/2020. Kể từ đó, tập đoàn đã tăng sự hiện diện của mình trên thị trường tỷ dân và có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng lên con số 100 trong vòng 4 năm tới.

Ông chủ Highlands Coffee và chiến lược tăng tốc trong bão COVID - Ảnh 2.

Chuỗi nhà hàng Tim Ho Wan mà ông chủ Highlands Coffee vừa mua lại. (Ảnh: Nikkei Asia).

Hiện Jollibee Foods đang điều hành 5.816 cửa hàng trên toàn cầu, bao gồm 3.200 cửa hàng tại Philippines, tính đến 30/6. Đây là những nhà hàng đồ ăn nhanh, phục vụ món gà rán đặc trưng, bánh mỳ kẹp thịt và các món ăn khác. Tại quê hương, Jollibee Foods là chuỗi đồ ăn nhanh chiếm thị phần nhiều nhất, vượt mặt cả McDonald's. Tuy nhiên, các nhà hàng thương hiệu Jollibee Foods chỉ chiếm 26% tổng số cửa hàng của tập đoàn trên khắp thế giới.

Việc tích cực bỏ tiền mua lại các thương hiệu nhỏ đến nay đã giúp Jollibee Foods sở hữu một đế chế bán đồ ăn nhanh khổng lồ. Với 17 thương hiệu riêng tại 33 quốc gia, CEO Jollibee Foods, ông Ernesto Tanmantiong nói rằng các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài sẽ giúp tập đoàn thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong năm nay và nhiều năm tiếp theo.

Tháng 9/2019, Jollibee Foods thông báo đã mua lại The Coffee Bean & Tea Leaf có trụ sở tại Mỹ với giá 350 triệu USD. Trước khi thực hiện thương vụ, Jollibee Foods đang điều hành khoảng 4.600 điểm bán khác - con số này đã tăng 25% trong hai năm qua.

Jollibee Foods cho thấy công ty chưa bao giờ ngần ngại đầu tư vào các doanh nghiệp. Năm 2018, họ đã mua lại Smashburger có trụ sở tại Denver, Colorado. Năm 2012, họ đã mua 50% cổ phần của SuperFoods Group, một tập đoàn nhà hàng Việt Nam điều hành chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee và chuỗi nhà hàng phở Việt - Phở 24.

Bản thân chuỗi đồ ăn nhanh Jollibee cũng đang mở rộng phạm vi kinh doanh toàn cầu, mặc dù các cửa hàng này chủ yếu phục vụ thực khách là người Philippines đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Theo ước tính, có khoảng 10 triệu người Philippines, chiếm 10% dân số, đang làm việc tại các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ và Trung Đông.

Việc mua lại Tim Ho Wan và The Coffee Bean & Tea Leaf sẽ giúp Jollibee mở rộng sang thị trường Trung Quốc và Mỹ với tư cách là một tập đoàn đa ngành. Công ty đang kỳ vọng sẽ tiếp cận thị trường thực phẩm Trung Quốc thông qua chuỗi Tim Ho Wan này.

Nửa đầu năm nay, Jollibee Foods đạt doanh thu 71,3 tỷ peso (khoảng 1,4 tỷ USD), tăng 13,7% so với một năm trước đó. Lợi nhuận ròng 1,1 tỷ peso, so với khoản lỗ 11,9 tỷ peso một năm trước đó.

Trong đó, thị trường nước ngoài đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn và các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Tập đoàn hiện có kế hoạch điều chỉnh lại chiến lược mở rộng toàn cầu bởi họ nhận thấy cơ hội tăng tốc nhanh chóng khi đại dịch đi qua.

Chí Dũng