Không khí bẩn khiến doanh nghiệp châu Á khó giữ nhân tài
AFP dẫn lời nhiều chuyên gia cảnh báo tâm lý lo ngại về sức khỏe đang trở thành vấn đề mà những người muốn làm việc ở châu Á phải cân nhắc do tình trạng ô nhiễm không khí ở châu lục này đang trở nên tệ hơn. Thực tế ấy khiến nhiều doanh nghiệp châu Á phải triển khai những ưu đãi để thu hút và giữ các nhân tài.
Ô nhiễm không khí trở thành vấn nạn ở châu Á
Dữ liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 92% người dân châu Á đang phơi nhiễm các mức độ ô nhiễm không khí có khả năng gây hại cho sức khỏe. Vì thế, ngoài lương cao, nhiều doanh nghiệp phải tạo ra những khoản đãi ngộ khác để bù đắp cho rủi ro về sức khỏe của người lao động. Những đãi ngộ đó có thể là trả tiền cho những kỳ nghỉ ngắn để nhân viên tránh không khí bẩn vài tháng một lần, hoặc chấp nhận cách thức làm việc phi truyền thống để người lao động tới những nơi ô nhiễm, theo giám đốc khu vực châu Á của hãng tư vấn ECA International, ông Lee Quane.
Nhiều doanh nghiệp châu Á trả thêm phụ cấp và nhiều khoản ưu đãi khác để người lao động sẵn sàng tới những khu vực có mức ô nhiễm cao. Ảnh: China Daily
"Ở một nơi có mức độ ô nhiễm cao hơn, chắc chắc mọi người sẽ thấy chúng tôi đề nghị các mức trợ cấp tương đương 10-20% lương cơ bản", ông Lee phát biểu.
Để tính toán mức phụ cấp, ECA International áp dụng hệ thống đánh giá dựa trên mức độ ô nhiễm không khí và nhiều chỉ số khác như tỷ lệ phạm tội và mức độ phong phú của dịch vụ trong khu vực.
Ngoài ra, những ưu đãi khác mà các người lao động có thể kỳ vọng khi chuyển tới những nơi ô nhiễm cao bao gồm: sống trong các căn hộ riêng tiện nghi hơn, có hệ thống lọc không khí cho nhà và văn phòng làm việc, khẩu trang ngăn khói, bụi và các đợt khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Hồi năm 2014, tập đoàn Panasonic xác nhận họ chi "khoản tiền phụ cấp ô nhiễm" cho những người làm việc cho các cơ sở của hãng tại Trung Quốc.
Giới truyền thông cũng đưa tin công ty Coca Cola trợ cấp cho những người phải chịu đựng môi trường độc hại cho những nhân viên chấp nhận tới Trung Quốc. Mức trợ cấp tương đương khoảng 15% lương.
Doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ khốn khổ vì không khí bẩn
Từ nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nhưng Bắc Kinh cùng nhiều trung tâm đô thị chính khác tại Nam Á, bao gồm thủ đô New Delhi của Ấn Độ, thường xuyên có các chỉ số chất lượng không khí vượt giới hạn an toàn với sức khỏe con người theo tiêu chuẩn của WHO.
Người dân tập yoga khi khói mù bao phủ trong Vườn Lodhi ở thành phố New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP
Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, có tới 7 thành phố trong nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo báo cáo gần đây của tổ chức Hòa Bình Xanh và IQ Air Visual.
"Mọi nhà quản lý cấp cao đều muốn có kinh nghiệm làm việc tại Ấn Độ trong sơ yếu lý lịch. Nhưng nỗi lo về ô nhiễm khiến họ lo lắng về sức khỏe", ông Atul Vohra, nhà quản lý của hãng tuyển dụng toàn cầu Transearch, bình luận.
Trong bối cảnh ấy, ông Lee Quane dự đoán doanh nghiệp ở những nơi ô nhiễm nặng sẽ phải chấp nhận tuyển những ứng viên có năng lực và kinh nghiệm dưới tiêu chuẩn của họ.
Patrick Behar-Courtois, người điều hành hãng tư vấn doanh nghiệp tại thành phố Thượng Hải trong hơn 10 năm qua, đồng ý với ông Lee Quane. Theo ông, "các ưu đãi hào phóng về tài chính" không thể xua tan mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm với những người có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cao mà ông muốn tuyển dụng.
"Tôi đã sửa lại các chính sách tuyển nhân sự và tìm những người ở địa phương. Với cách đó, đương nhiên tôi sẽ chỉ có cơ hội gặp những ứng viên có ít kinh nghiệm hơn và tôi phải dành thêm thời gian để đào tạo họ", ông thổ lộ.