Không phải thu nhập, thương hiệu công ty mới là yếu tố then chốt để giữ nhân tài ở châu Á
Một nghiên cứu của công ty săn nhân sự điều hành cấp cao Heidrick & Struggles cho thấy, gần 60% giám đốc điều hành, lãnh đạo cấp cao đang xem xét các lựa chọn việc làm khác, trong khi 28% dự định rời vị trí hiện tại trong vòng hai năm nếu có cơ hội tốt hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, lương thưởng là yếu tố có mức độ quan trọng thấp nhất khi họ cân nhắc công việc mới.
234 giám đốc điều hành và giám đốc nhân sự hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, may mặc, khách sạn và truyền thông tại 10 quốc gia châu Á tham gia khảo sát.
28% nhân sự cao cấp ở châu Á dự định rời vị trí hiện tại trong vòng hai năm nếu có cơ hội tốt hơn.
Bà Karen Fifer, đối tác quản lý toàn cầu về thực hành thị trường tiêu dùng của công ty Heidrick & Struggles và cũng là tác giả của nghiên cứu, phát biểu: "Thời mà lương thưởng tăng cao đồng nghĩa với việc tạo động lực cho nhân viên làm việc đã qua. Các ứng viên ngày nay cũng đề cao những lợi ích vô hình, thứ có thể khiến họ cảm thấy việc làm của họ trở nên xứng đáng hơn.
Nhân sự cao cấp coi trọng tính chất công việc hơn mức lương, thưởng - bao gồm cả cơ hội cộng tác với những nhóm lãnh đạo uy tín, có khả năng truyền cảm hứng với triển vọng và kinh nghiệm toàn cầu trên các lĩnh vực kinh doanh đa dạng, tiềm lực, danh tiếng của công ty, mức độ đổi mới, cam kết thúc đẩy phát triển xã hội bền vững, và thậm chí là cả thương hiệu cá nhân của giám đốc điều hành.
Fifer nhấn mạnh rằng, để giữ chân nhân tài trong một thị trường việc làm đầy biến động, các công ty nên có một chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hiệu quả và thiết thực hơn.
Thời mà lương thưởng tăng cao đồng nghĩa với việc tạo động lực cho nhân viên làm việc đã qua.
Sự phát triển mạnh của các nền tảng mạng xã hội đã khiến cho hành vi doanh nghiệp trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, đồng nghĩa với việc thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ là những điều một công ty nói về bản thân họ, mà còn là điều mà xã hội đang nói về họ.
"Nhân sự tài năng nhất sẽ mang lại những kết quả tốt nhất, giống như việc các nhà bán lẻ và các công ty dịch vụ khách hàng coi trải nghiệm khách hàng là trọng tâm. Trải nghiệm của nhân viên nên được đặt lên hàng đầu trong chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của mọi công ty", Fifer bình luận.
95% người tham gia khảo sát thừa nhận tầm quan trọng của thương hiệu nhà tuyển dụng, nhưng chỉ 54% trong số họ đã thực hiện chiến lược này.
"Để chiến thắng trong cuộc chiến thu hút nhân tài, các doanh nghiệp cần cân nhắc lại và tăng cường các chiến lược thương hiệu tuyển dụng, đảm bảo rằng những điều khiến thương hiệu của công ty trở nên thu hút và thực tiễn việc làm của công ty đó đều thể hiện rõ ràng", Fifer phát biểu.