Không đòi sao kê như Elon Musk, tỷ phú Jeff Bezos bán ngay cổ phiếu Amazon sau cam kết từ thiện với Liên Hợp Quốc
Theo hãng tin Bloomberg, tỷ phú Jeff Bezos đã bán lượng cổ phiếu trị giá khoảng 2 tỷ USD của mình tại Amazon sau cam kết sẽ dùng số tiền đó để phục hồi thiên nhiên cũng như chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là việc làm từ thiện mà quỹ Bezos Earth Fund hướng tới.
Cựu CEO Amazon đã bán hơn 608.000 cổ phiếu theo một kế hoạch giao dịch đã được sắp xếp từ trước, theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ. Việc tài trợ 2 tỷ USD nâng tổng số tiền mà tỷ phú người Mỹ cho đi trong năm nay lên khoảng 8,6 tỷ USD.
Người giàu thứ hai thế giới tiếp tục nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Amazon. Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú Jeff Bezos vẫn là người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản ròng trị giá 196 tỷ USD.
Cam kết quyên góp 2 tỷ USD tài sản cá nhân để làm từ thiện
Theo Yahoo Finance, tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Glasgow, Scotland, tỷ phú Jeff Bezos đã cam kết quyên góp 2 tỷ USD tài sản cá nhân để làm từ thiện.
"Mỗi năm, rừng và cảnh quan thiên nhiên hấp thụ 11 tỷ tấn CO2 từ khí quyển. Khi chúng ta phá hủy thiên nhiên, chúng ta sẽ đảo ngược quá trình này. Ở quá nhiều nơi trên thế giới, thiên nhiên đã chuyển từ bể chứa carbon thành nguồn phát thải carbon. Đây là một mối nguy hiểm sâu sắc đối với con người", cựu CEO Amazon phát biểu.
Số tiền đó sẽ là một phần trong cam kết trị giá 10 tỷ USD của tỷ phú Bezos trong việc chống lại biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới. Điều này được truyền cảm hứng từ chuyến đi của ông vào tháng 7 bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất trong một tên lửa do Blue Origin, công ty kinh doanh hàng không vũ trụ do chính ông phát triển.
"Thiên nhiên đẹp nhưng cũng mong manh. Tôi đã được nhắc nhở về điều này vào tháng 7 khi tôi đi vào vũ trụ với Blue Origin. Tôi được thông tin rằng việc nhìn thấy Trái đất từ không gian sẽ thay đổi cách nhìn về thế giới, nhưng tôi không nghĩ rằng những lời nói đó lại đúng đến như vậy", ông nói thêm.
Như John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden, đã nói rõ trước đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sắp tới sẽ rất tốn kém và đòi hỏi một khoản tiền lớn từ Jeff Bezos cũng như các công ty tư nhân.
"Một trăm tỷ USD chắc chắn sẽ không làm được. Chúng ta cần hàng nghìn tỷ USD. Và cách duy nhất để chúng ta hoàn thành việc này là huy động các nguồn lực. Tôi sẽ không đưa ra thông báo, nhưng sẽ có hàng chục nghìn tỷ USD sẵn sàng được đầu tư vào quá trình chuyển đổi này", đặc phái viên John Kerry tiết lộ, đồng thời chia sẻ các công ty trong ngành ngân hàng Mỹ sẵn sàng tham gia.
"Chúng tôi đã làm việc với 6 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley, Wells Fargo, State Street, Bank of America và JPMorgan. Họ sẽ đầu tư hơn 4.000 tỷ USD", ông nói thêm.
Số tiền đó sẽ rất quan trọng trong việc giúp các quốc gia đang phát triển chuyển đổi nền kinh tế của họ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là một vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt trong cách cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, yếu tố gây ra biến đổi khí hậu.
Trong khi hơn 100 quốc gia cam kết để ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030, huy động đủ tiền để thay đổi hệ thống lương thực, thì nguồn vốn vẫn là một trở ngại. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho biết sẽ tìm cách đảm bảo các cam kết, hợp tác với các quốc gia dễ bị tổn thương để chuẩn bị và thích ứng với các tác động và thảm họa khí hậu, đồng thời thúc đẩy quyền bình đẳngg và trao quyền cho phụ nữ, người dân tộc,…
Yêu cầu Liên Hợp Quốc sao kê để xuống tiền của Elon Musk
Hành động này của tỷ phú Jeff Bezos có phần khác biệt so với người giàu nhất thế giới, tỷ phú Elon Musk, người đang sở hữu khối tài sản ròng hơn 300 tỷ USD và vẫn đang tăng từng ngày.
Mới đây, Elon Musk đăng tweet khẳng định sẵn lòng hưởng ứng lời kêu gọi của quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng 6 tỷ USD có thể giúp chấm dứt nạn đói toàn cầu.
Cụ thể, Elon Musk tuyên bố sẵn sàng bán bớt cổ phiếu Tesla và chuyển tiền cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nếu tổ chức có thể trình bày 6 tỷ USD sẽ giải quyết nạn đói như thế nào.
Một điều kiện khác mà CEO Tesla đưa ra là tổ chức phải sử dụng cách kế toán công khai và "sao kê" minh bạch để công chúng có thể thấy rõ cách số tiền được phân bổ.
Đáp lại Elon Musk, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley đề nghị hai người gặp mặt nhau để đối thoại.
Elon Musk lặp lại đòi hỏi WFP công bố chi tiêu hiện tại và dự thảo chi tiêu sau khi nhận 6 tỷ USD để mọi người có thể thấy rõ "tiền đi về đâu". Vị tỷ phú cũng đính kèm lời mỉa mai "Ánh sáng mặt trời thật tuyệt vời", hàm ý nếu không có gì khuất tất thì ông Beasley không cần né tránh việc đăng tải những tài liệu này.
Tuy nhiên một lần nữa, ông Beasley từ chối trao đổi qua tweet một cách nhã nhặn và hỏi xin một cuộc gặp mặt trực tiếp. Ông khẳng định sẽ gặp Elon Musk ở bất kỳ đâu, dù là "Trái đất hay trên vũ trụ". Ông cũng hứa sẽ mang theo bản kế hoạch và sổ sách.