|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu trong tháng 1/2023

14:28 | 07/02/2023
Chia sẻ
Sau thời kỳ phát triển "hoang dại" và chịu nhiều cú sốc, thị trường trái phiếu gần như nguội lạnh trong những tháng cuối năm 2022. Tới tháng đầu năm 2023, thị trường còn không ghi nhận đợt huy động trái phiếu nào.

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, hiện chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nào.

Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Trong các đợt phát hành này, nhóm ngân hàng chiếm đa số với hơn 3.269 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ và gần 10.638 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Ba đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.

 Giá trị phát hành TPDN theo tháng trong năm 2022. (Nguồn tư liệu: MH tổng hợp từ báo cáo của VBMA). 

Trong tháng 1/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Kế hoạch phát hành sắp tới bao gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Masan trong tháng 1 và tháng 2/2023. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm, kỳ hạn 60 tháng với mức lãi suất cố định 9,5% trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất thả nổi là Lãi suất tham chiếu cộng (+) với 3,975%/năm trong các kỳ tính lãi còn lại.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) cũng dự kiến chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỷ đồng trong tháng 1 và tháng 2/2023, kỳ hạn 7 và 8 năm với mức lãi suất thả nổi lần lượt là Lãi suất tham chiếu (LSTC) + 1,1%/năm; LSTC + 1,3%/năm và LSTC + 1,5%/năm.

Trong báo cáo về triển vọng thị trường vốn năm 2023, FiinRatings nhìn nhận thị trường TPDN sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Tuy còn nhiều khó khăn, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia.

Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng.

Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới.

Loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán TPDN.

Theo FiinRatings, trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền bị bào mòn và khó khăn tiếp cận vốn đảo nợ. Tuy nhiên, các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn trên.

Minh Hằng