Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2023 - 2024: Khối lượng đáo hạn lớn
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2021. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng.
VBMA cho biết, quy mô thị trường Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam xấp xỉ 14,81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP). Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11,3% so với thời điểm cuối năm 2021.
Tính riêng quý IV/2022, giá trị phát hành của hầu hết tất cả các nhóm ngành đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành nhóm bất động sản quý 4 sụt giảm 99,7% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi về mặt vĩ mô tiếp tục kéo dài kể từ đầu năm. Nhóm hàng tiêu dùng vươn lên dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 44% tổng giá trị phát hành quý cuối năm 2022.
Trong năm 2022, tổ chức phát hành chịu áp lực tăng lãi suất phát hành giữa bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mức tăng không lớn do hầu hết các đợt phát hành đều diễn ra vào giai đoạn đầu năm, khi chưa có nhiều thay đổi về mặt chính sách cũng như điều kiện thị trường so với năm 2021.
Trái phiếu phát hành trong quý IV/2022 tập trung ở các kỳ hạn từ 5 năm trở lên, chiếm 90% khối lượng phát hành.
Hiệp hội này cho biết, kỳ hạn phát hành trung bình của trái phiếu bất động sản là 2,67 năm, lãi suất phát hành trung bình là 9,67%/năm. Có khoảng 67% khối lượng trái phiếu nhóm này phát hành trong quý IV/2022 không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu, tỷ lệ này tăng so với mức 30% trong quý IV/2021. Trong đó, số doanh nghiệp bất động sản không niêm yết chiếm 2/3 số doanh nghiệp phát hành.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu trung bình của các tổ chức tín dụng là 10 năm, lãi suất phát hành trung bình là 8,69%/năm. Trong quý IV/2022, không có nhiều trái phiếu của tổ chức tín dụng nào được phát hành, chỉ ở mức 485 tỷ đồng.
Trong quý IV/2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 70.501 tỷ đồng, tính chung cả năm 2022, con số này ở mức 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021.
Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số khi thực hiện mua lại 30.053 tỷ đồng, tương đương 42,6% tổng giá trị mua lại. Xếp sau là nhóm bất động sản với 9.857 tỷ đồng, chiếm 14%. Hầu hết trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024.
"Mặc dù hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp diễn ra tích cực, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm hai năm tới vẫn còn lớn với 650.319 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó có 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 360.500 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2024", Hiệp hội cho hay.