'Không ai dại đi gom đất khi giá vẫn neo cao'
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường vẫn còn khó khăn và có một số biến động, đặc biệt là việc tăng giá mạnh, trong thời gian ngắn của bất động sản đất nền diễn ra cục bộ tại một số khu vực.
Tuy nhiên, với sự tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang và sẽ phát triển ổn định.
Trong quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh. Dự báo nguồn cung các dự án bất động sản trong năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.
Đơn cử như TP Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP HCM (Thủ Đức), TP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Bình Thuận (TP Phan Thiết và thị xã La Gi), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), Quảng Trị (huyện Gio Linh),…
Tuy nhiên, bước sang đầu quý II/2021, cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn ghi nhận, mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó.
Trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021, do có sự quay trở lại của dịch COVID-19, mức độ quan tâm tại các tỉnh thành có nhiều ca nhiễm có sự sụt giảm. Cụ thể, nếu so sánh dữ liệu 7 ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mức độ quan tâm tại Bắc Ninh giảm 21%, Vĩnh Phúc giảm 39% và Đà Nẵng giảm 25%.
Tại một số các tỉnh thành khác, mức độ quan tâm trong tháng 4 vừa qua có xu hướng giảm (10 - 34%) so với tháng trước, diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành. Mức giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%).
Ngược lại, lượng tin đăng lại tăng nhẹ ở hầu hết các tỉnh. Mức tăng mạnh nhất tại Quảng Ninh (35%), Quảng Nam (11%).
Sẽ xuất hiện các thị trường mới nổi
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, có hai lý do khiến cơn sốt đất hạ nhiệt nhanh.
Thứ nhất, đối với các giao dịch mua bán đất đai nằm ngoài dự án sai quy định pháp luật, khi chính quyền địa phương "làm gắt" sẽ không ai dám mua bán nữa. Giao dịch không còn, thị trường sẽ nằm im.
Thứ hai, các dự án chính thống đủ điện kiện giao dịch trên thị trường rất ít. Khi cung thấp hơn cầu tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tăng giá. Phần lớn đất đai bên ngoài dự án đã xẹp nhưng giá trong các dự án này thì vẫn neo ở mức cao.
Mức giá này đang cao hơn giá trị thực của thị trường, do đó nhiều nhà đầu tư sẽ không mua, người dân cũng không muốn tham gia. Còn những người có nhu cầu thực mua để sử dụng chiếm rất ít, tỷ lệ giao dịch chỉ đạt ngưỡng dưới 20%.
"Thị trường nóng hầm hầm từ đầu năm đến nay chủ yếu là đất đai bên ngoài dự án. Không ít người ôm bom đợt vừa rồi đang phải tìm cách để thoát hàng. Do đó thị trường này gần như đang chết yểu. Còn thị trường chính thống ảm đạm là do giá cao, không có nhiều giao dịch", ông Đính cho hay.
Trước thông tin đang có nhiều người tranh thủ giai đoạn giá chững để "ôm" hàng, vị chuyên gia này cho rằng, nếu gom thì phải tính toán và gom trước khi xảy ra sốt, bây giờ không ai dại dột đi gom đất khi giá đã tăng cao.
Phó Chủ tịch VARs đánh giá, thời gian tới, dịch bệnh sẽ không hưởng nhiều đến thị trường bất động sản. Trừ khi bị giãn cách xã hội, không giao dịch được, thị trường sẽ chững lại. Hiện tại thị trường đang bị vấn đề giá cao, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, một số thị trường đã nóng trong khoảng vài năm trở lại đây như Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh,... giá đang được đẩy lên rất cao, nếu thời gian tới mặt bằng giá không được điều chỉnh sẽ khó hút các các doanh nghiệp đến đầu tư.
"Dần dần, những thị trường này sẽ trầm lắng, ảm đạm. Kéo theo đó, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các vùng khác có mặt bằng giá phù hợp hơn. Chúng tôi dự báo, cuối quý II đến quý III/2021 sẽ có xuất hiện các thị trường mới nổi", ông Đính nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, dòng tiền vào bất động sản thời gian tới vẫn sẽ tốt. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vốn FDI vẫn đang đổ vào Việt Nam rất mạnh và Việt Nam đang tăng tốc để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư công.
Đầu tư công đi đến đâu sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế và thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn mới chứ chưa phải giai đoạn thoái trào hay bão hòa.
"Thị trường bất động sản vẫn có rất nhiều cơ hội để đầu tư. Kể cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mặc dù đang chịu ảnh hưởng rất nặng bởi dịch COVID-19 nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư trường vốn", vị này nhấn mạnh.