|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giữ tiền hay tiếp tục đổ tiền mua đất khi cơn sốt đã hạ nhiệt?

13:51 | 14/05/2021
Chia sẻ
Thị trường bất động sản trở lại trạng thái yên bình hơn trong những ngày gần đây càng củng cố cho nhận định những cơn sốt đất cục bộ thường sẽ không kéo dài. Chính vì vậy, một câu hỏi đang được không ít người băn khoăn hiện nay là nên giữ tiền hay tiếp tục đổ tiền vào bất động sản.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn quý đầu năm đã phản ánh thực tế nóng sốt khi mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, khiến thị trường gần tái hiện đỉnh quan tâm năm 2006.

Tuy nhiên, quan sát tại thời điểm hiện tại, dù thị trường có dấu hiệu chững lại, tình trạng giảm giá, cắt lỗ có xảy ra nhưng chưa phổ biến. Đất đai tại nhiều điểm nóng ghi xuất hiện tình trạng "đứng giá".

Tiêu điểm thị trường bất động sản tháng 4/2021 vừa được Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, lượng tin đăng bất động sản (đại diện cho nguồn cung) có xu hướng giữ ổn định, thậm chí tăng nhẹ ở một số loại hình. Ngược lại, lượng quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) giảm khá mạnh ở hầu hết các loại hình và khu vực so với tháng 3/2021.

Giữ tiền hay tiếp tục đổ tiền mua đất khi cơn sốt đã hạ nhiệt? - Ảnh 1.

Đất nền là phân khúc ghi nhận sức mua giảm nhiều nhất trong tháng 4 với gần 21%. (Nguồn: Batdongsan.com.vn).

Cụ thể, mức độ quan tâm toàn thị trường trong tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó. Tuy nhiên nếu so với tháng 4 năm 2020, mức độ quan tâm vẫn tăng 44% và lượng tin đăng vẫn tăng 63%.

Trong tuần đầu tiên của tháng 5/2021, do có sự quay trở lại của dịch COVID-19, mức độ quan tâm tại các tỉnh thành có nhiều ca nhiễm có sự sụt giảm.

Cụ thể, nếu so sánh dữ liệu 7 ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mức độ quan tâm tại Bắc Ninh giảm 21%, Vĩnh Phúc giảm 39% và Đà Nẵng giảm 25%.

Liên quan đến phân khúc chung cư, trong tháng 4, chỉ số giá tại Hà Nội tăng nhẹ 1%, trong khi chỉ giá chung cư TP HCM không biến động nhiều. Lượng quan tâm có sự sụt giảm khá mạnh ở cả hai thị trường, giảm đều ở cả ba phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp.

Tại một số các tỉnh thành khác, mức độ quan tâm trong tháng 4 vừa qua có xu hướng giảm (10 - 34%) so với tháng trước, diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành. Mức giảm mạnh nhất diễn ra ở Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (giảm 29%), Đà Nẵng (giảm 21%).

Ngược lại, lượng tin đăng lại tăng nhẹ ở hầu hết các tỉnh. Mức tăng mạnh nhất tại Quảng Ninh (35%), Quảng Nam (11%).

Có nên tiếp tục đổ tiền vào bất động sản?

Giữ tiền hay tiếp tục đổ tiền mua đất khi cơn sốt đã hạ nhiệt? - Ảnh 2.

Cơn sốt đất cục bộ đầu năm đã hạ nhiệt. (Ảnh: Hoàng Huy).

Dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, cơn sốt đất đầu năm đã hạ nhiệt. Do đó, việc có nên tiếp tục đổ tiền vào bất động sản hay không đang khiến không ít người băn khoăn.

Theo phân tích của giới chuyên môn, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển. Một phần là do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch mức cao.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi với mức lãi suất thấp không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.

Trên phương diện vĩ mô, một vị chuyên gia từng đánh giá, lượng tiền lớn trong nền kinh tế có thể kích hoạt lạm phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại (tốc độ lưu chuyển tiền tăng lên). Tăng trưởng cung tiền cao cũng chính là nguyên nhân gây lạm phát giá tài sản, đặc biệt là nhà đất.

Còn theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thời gian tới, nếu cung tiền nhiều nhưng vẫn được kiểm soát chặt thì người đang có bất động sản lớn từ vốn vay nhiều khả năng sẽ gặp khó do lãi suất vay tăng (lạm phát cao trong ngắn hạn xuất hiện). Đây chính là tình cảnh của giới đầu tư bất động sản gặp phải vào năm 2011 - 2012.

Trong trường hợp lượng tiền lớn được bơm ra để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp (như năm 2009) thì rất dễ có nguy cơ dòng tiền chưa kịp đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ chuyển qua đầu tư bất động sản. Khi đó, trong ngắn hạn sẽ giúp bất động sản tăng thanh khoản và giá. Đây là cơ hột tốt cho nhiều người mua trước đó chốt lời, "thoát hàng",...

Nhìn lại thị trường bất động sản quý I/2021 vẫn còn khó khăn và có một số biến động, đặc biệt là việc đất đai đồng loạt tăng giá mạnh tại một số khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, với nhiều tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường vẫn đang và sẽ phát triển ổn định.

Mặc dù hiện tượng sốt đất nền chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" bất động sản.

Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong quý II/2021, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Cũng theo dự báo của đơn vị này, giá căn hộ tại Hà Nội và TP HCM trong quý II có thể sẽ được giữ nguyên. Dự kiến những sản phẩm mới ra giai đoạn này có thể xây dựng được giá bán phù hợp hơn.

Về giá đất, theo VARs, với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thời gian qua, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Hà Lê