|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại rút ròng 2.300 tỷ đồng trong tuần thanh khoản bùng nổ, tập trung xả bluechip

15:41 | 18/04/2021
Chia sẻ
Trong tuần 12 – 16/4, khối ngoại bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng toàn thị trường, riêng sàn HOSE ghi nhận giá trị bán ròng 2.510 tỷ đồng. Các mã bluechips chịu áp lực bán ròng chính trong tuần qua như VHM, VNM, GAS, HPG…
Khối ngoại rút ròng 2.300 tỷ đồng trong tuần thanh khoản bùng nổ, tập trung xả bluechip - Ảnh 1.

Khu đô thị Times City của Vinhomes (Mã: VHM). (Ảnh: Song Ngọc).

VN-Index đóng cửa tuần thứ 16 của năm 2021 với 2 phiên tăng điểm, 3 phiên giảm điểm. Tính chung, chỉ số tăng 7,05 điểm, tương đương 0,57%, lên mức 1.238,71 điểm. Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.002 tỷ đồng, cao nhất lịch sử và tăng 28,9% so với tuần trước đó.

Trong tuần thanh khoản bùng nổ, khối ngoại đảo chiều bán ròng 2.329 tỷ đồng trên toàn thị trường với khối lượng tương ứng gần 3 triệu đơn vị. Trong khi tuần trước đó, nhóm NĐT ngoại vừa rót ròng gần 2.400 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại đảo chiều rút ròng 2.510 tỷ đồng trên HOSE, chủ yếu bán ròng VHM

Thống kê trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 2.510 tỷ đồng với khối lượng 4,3 triệu đơn vị. Trong đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung tại thị trường cổ phiếu với giá trị 2.649 tỷ đồng; ngược lại khối này mua ròng 185 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF nội.

Khối ngoại rút ròng 2.300 tỷ đồng trong tuần thanh khoản bùng nổ, tập trung xả bluechips - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong top 10 mã chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại tuần qua, đáng chú ý là cổ phiếu VHM ghi nhận giá trị 1.109 tỷ đồng – mã duy nhất đạt giá trị giao dịch ròng trên nghìn tỷ tuần qua. Tuần này khối ngoại đã chuyển sang bán ròng VHM sau khi mua ròng mạnh các tuần trước đó.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu VNM (392 tỷ đồng), CTG (331 tỷ đồng), GAS (245 tỷ đồng) và HPG (206 tỷ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, trong ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra tới đây, HĐQT công ty sẽ trình đại hội thông qua việc cho phép Chủ tịch Trần Đình Long và con trai là Trần Vũ Minh được nhận chuyển nhượng cổ phiếu HPG để nâng tỷ lệ sở hữu quá các mức quy định tại Điều 35, Luật Chứng khoán 2019 (35%, 45%, 55%, 65%, 75%) mà không cần chào mua công khai.

Hiện nay ông Long đang sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn của Hòa Phát. Con trai là Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu đơn vị, tương đương 1,45%.

Cùng chiều bán ròng còn có BID và VPB lần lượt ghi nhận giá trị 184 tỷ đồng và 133 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn bán ròng cổ phiếu CRE (132 tỷ đồng), VRE (113 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ duy nhất E1VFVN30 (150 tỷ đồng).

Trong top 10 mã thu hút dòng vốn ngoại tuần qua, dẫn đầu là NVL với giá trị mua ròng 405 tỷ đồng. Phiên 14/4, cổ phiếu NVL tăng 3,6% lên 100.100 đồng/cp – đạt đỉnh giá lịch sử giao dịch từ khi niêm yết. Các phiên còn lại trong tuần, mã này tiếp tục xu hướng tăng giá, kết thúc tuần tại mức giá 108.000 đồng/cp.

Trái với hai mã cùng "họ" là VHM và VRE bị khối ngoại bán ròng, cổ phiếu VIC được mua ròng hơn 357 tỷ đồng. Cùng với đó, khối này gom mạnh cổ phiếu MSN (135 tỷ đồng) và STB (116 tỷ đồng). Cổ phiếu MSN tuần qua cũng trở lại nhóm các mã có thị giá trên 100.000 đồng/cp trên thị trường.

Mặt khác, NĐT nước ngoài rót vốn cho cổ phiếu SSI, FLC, HSG, HCM nhưng giá trị dưới 100 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ được khối ngoại mua ròng là FUESSVFL và FUEVFVND với giá trị lần lượt 227 tỷ đồng và 114 tỷ đồng.

NĐT nước ngoài mua ròng trên HNX nhờ gom trăm tỷ đồng VND

Ngược chiều trên HOSE, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX. Giá trị cụ thể đạt 231 tỷ đồng với khối lượng mua ròng 3,5 triệu đơn vị. Trong tuần, khối này có phiên mua ròng vào thứ Hai đột biến lên 172 tỷ đồng, trong khi các phiên khác ghi nhận giá trị mua ròng chưa đến trăm tỷ hoặc hoạt động bán ròng áp đảo.

Khối ngoại rút ròng 2.300 tỷ đồng trong tuần thanh khoản bùng nổ, tập trung xả bluechips - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại phía mua ròng, dòng vốn ngoại tập trung chủ yếu tại cổ phiếu VND với giá trị 268 tỷ đồng. Mới đây, Chứng khoán VNDirect thông tin về việc phát hành hơn 214,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành là 14.500 đồng/cp, bằng 40% thị giá cổ phiếu trên sàn.

Ước tính số tiền mà VNDirect thu về từ đợt phát hành là hơn 3.100 tỷ đồng. Mục đích sử dụng là bổ sung vốn cho vay margin, bảo lãnh phát hành trái phiếu và các hoạt động khác.

Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng cổ phiếu VCS (7,5 tỷ đồng), IDV (4,6 tỷ đồng), DXP, SHB, CLH, NVB…

Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài bán ròng cổ phiếu APS (15 tỷ đồng), theo sau là SHS (8 tỷ đồng), PVC (5,2 tỷ đồng), ACM (5 tỷ đồng). Ngoài ra, các ma CKV, TIG, HUT, PVS, PLC cũng lọt top bán ròng.

Khối ngoại tập trung xả cổ phiếu VTP, BSR và ACV

Tại thị trường UPCoM, dòng vốn ngoại rút ròng gần 52 tỷ đồng, khối lượng bán ròng đạt 2,1 triệu cổ phiếu. Riêng tại UPCoM, hoạt động bán ròng của khối ngoại diễn ra xuyên suốt các phiên trong tuần.

Khối ngoại rút ròng 2.300 tỷ đồng trong tuần thanh khoản bùng nổ, tập trung xả bluechips - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Về giá trị giao dịch cụ thể, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VTP của Viettel Post (61 tỷ đồng), kế đến là BSR (24 tỷ đồng) và ACV (14 tỷ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu BSR, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 ước tính doanh thu quý I đạt 20.960 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.803 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2021. Năm 2020, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án trả cổ tức tỷ lệ 3% trên vốn điều lệ song tới cuối năm 2020, HĐQT đã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm, trong đó có quyết định không chia cổ tức.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu LTG, VEA, VRG, PVM, CTR… trên UPCoM.

Trong khi đó, cổ phiếu QNS và MCH lần lượt được khối ngoại mua ròng 24 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. NĐT nước ngoài còn bán ròng dưới 10 tỷ đồng cổ phiếu khác như MML, SIP, HPP, VGI, TCW, FOC…

Thu Thảo