Khối ngoại mua ròng gần 2.100 tỷ đồng cổ phiếu bluechips trong tháng 1, tâm điểm nhóm ngân hàng
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2021 với nhiều kỷ lục được vinh danh. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của giới đầu tư, thị trường chung diễn biến khá ảm đạm trong tháng đầu tiên của năm 2022.
VN-Index trải pha nhiều phiên giảm mạnh với sự đổ vỡ của nhóm cổ phiếu đầu cơ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 1, chỉ số chính sàn HOSE dừng tại mốc 1.478,93 điểm, tương ứng giảm 1,3% so với cuối năm 2021. HNX-Index thậm chí giảm 12,1% còn 416,73 điểm, UPCoM-Index cũng ghi nhận mức giảm 2,7% xuống 109,69 điểm.
Tâm lý bán chốt lời trước kỳ nghỉ lễ dài ngày trước Tết Nguyên đán cũng khiến thanh khoản thị trường giảm mạnh. Thanh khoản tháng Giêng giảm 15,8% so với tháng trước đó và giảm 4% so với trung bình 5 tháng.
Thống kê giao dịch khối ngoại, xu hướng bán ròng vẫn được duy trì trong suốt 6 tháng gần đây. Trong đó, áp lực tăng nhẹ trong tháng đầu năm với hơn 2.966 tỷ đồng.
Tuy vậy sau nhiều phiên rút ròng mạnh, NĐT nước ngoài bất ngờ mua ròng với giá trị lớn trong những phiên cuối tháng 1, trong đó họ tập trung giải ngân vào các bluechips qua kênh khớp lệnh. Cụ thể, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì nước ngoài gom ròng khoảng 2.730 tỷ đồng, riêng nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 được mua ròng với hơn 2.084 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng trở lại hút tiền, nhóm thép tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất
Theo Fiintrade thống kê trên 18 nhóm ngành, giao dịch mua khớp lệnh có sự cải thiện đáng kể khi được ghi nhận tại 10/18 nhóm cổ phiếu, so với 7 nhóm trong tháng 12/2021.
Dòng tiền ngoại có sự đảo chiều mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu ngân hàng với hơn 1.960 tỷ đồng. Đây cũng là ngành được khối ngoại giải nhân nhiều nhất trong tháng đầu năm.
Động thái chuyển hướng gom ròng của NĐT nước ngoài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng trở lại dẫn dắt thị trường và là ngành tăng mạnh nhất với 10,51%. Cùng với sự gia tăng về chỉ số giá, tỷ trọng giá trị giao dịch cũng tăng từ 12,63% tháng 12/2020 lên 17,98% vào tháng 1.
Theo sau, các cổ phiếu bất động sản cũng tiếp tục thu hút hơn 1.253 tỷ đồng vốn ngoại, nối tiếp bởi một số nhóm được giao dịch cùng chiều như điện, nước & xăng dầu khí đốt (283 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (218 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, áp lực rút ròng được duy trì ở nhóm tài nguyên cơ bản với 684 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nhóm giao dịch kém tích cực nhất trong tháng đầu năm với biến động giá toàn ngành là -10,35%.
Bên cạnh đó, giao dịch bán ròng cũng tiếp tục xuất hiện ở các nhóm, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (587 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (410 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (87 tỷ đồng),...
Cổ phiếu nào được khối ngoại mua bán mạnh nhất trong tháng 1?
Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm thu hút vốn ngoại trong tháng đầu năm thuộc về các cổ phiếu bluechips. Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes dẫn đầu với giá trị mua ròng áp đảo 1.299,4 tỷ đồng.
Theo sau lực cầu hướng đến các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính - ngân hàng khi mua ròng lần lượt STB (585,4 tỷ đồng), CTG (572,9 tỷ đồng), MBB (297,7 tỷ đồng), LPB (284,2 tỷ đồng) và SSI (234,8 tỷ đồng).
Một số mã cũng xuất hiện giao dịch cùng chiều còn có DXG (485,1 tỷ đồng), KBC (416,3 tỷ đồng), GAS (316,2 tỷ đồng) và BCM (273,5 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, MSN của Masan dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 5.229,3 tỷ đồng trong tháng 1. Đây có thể hiểu là động thái tái cơ cấu của quỹ và có quỹ đã thoái vốn ở MSN qua giao dịch thỏa thuận lớn gần 5.000 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của Masan cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index trong tháng Giêng.
Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, nhóm này cũng rút ròng mạnh khỏi cổ phiếu NVL của Novaland với quy mô 818,3 tỷ đồng, theo sau bởi CII khi tiếp tục bị xả ròng 678 tỷ đồng.
Dòng vốn ngoại có động thái rút ròng nhẹ hơn khỏi VIC và HPG với giá trị lần lượt là 627,2 tỷ đồng và 367,4 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh trong tháng 1 còn có VNM (242,5 tỷ đồng) và VRE (218 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhóm 10 mã bị bán mạnh nhất còn có HSG, E1VFVN30 và VPB với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Tại sàn HNX, cổ phiếu PVS là mã đóng góp phần lớn giá trị mua ròng với 222 tỷ đồng. Nối tiếp, hai cổ phiếu PVI và DL1 được gom ròng lần lượt 84,2 tỷ và 27 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền ngoại còn tìm đến BVS, VCS với giá trị thấp hơn.
Ở chiều bán, NTP là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với 43,7 tỷ đồng. Theo sau, khối ngoại chỉ mua ròng dưới 40 tỷ đồng các cổ phiếu như THD, LHC, SHS và CTB.
Tại thị trường UPCoM, hai cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi và CLX của Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng lần lượt 124,1 tỷ và 58 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như NTC (39,4 tỷ đồng), CTR (36,8 tỷ đồng) và QTP (27,8 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương dẫn đầu danh mục bán ròng tại UPCoM với giá trị 309,1 tỷ đồng, bỏ xa mã thứ hai là ACV với 53,9 tỷ đồng. Theo sau bởi lực xả khiêm tốn hơn tại các mã FOX, IDP, CST.