Khối ngoại mua bán mạnh nhất cổ phiếu nào trong tháng đầu năm?
VN-Index đóng cửa tháng 1/2024 tại 1.164,31 điểm, tăng 34,38 điểm, tương đương 3,04% so với cuối năm 2023 với thanh khoản cải thiện nhẹ.
Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 16.881 tỷ đồng, tăng 7,6% so với mức bình quân tháng 12. Xét theo ngành, ngân hàng và xây dựng là hai ngành có thanh khoản và giá cùng tăng. Trong khi đó, thanh khoản bình quân phiên giảm ở bất động sản, chứng khoán và thiết bị điện.
Sóng cổ phiếu ngân hàng được chứng kiến trong tháng đầu năm khi Top 10 mã đóng góp tích cực nhất đến VN-Index có tới 9 đại diện thuộc nhóm ngân hàng. Trong đó, riêng ông lớn VCB đóng góp gần 12 điểm cho sắc xanh của chỉ số chính. Chiều ngược lại, VIC, VHM, SAB là ba mã gây áp lực chính lên thị trường.
Trong tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 185 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhưng bán ròng 698 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Trong đó, xu hướng giao dịch của khối ngoại phân hóa rõ rệt trong tháng vừa qua khi nửa đầu tháng họ tập trung bán ròng, trong khi chủ yếu mua ròng ở nửa cuối tháng.
Thống kê giao dịch chi tiết theo từng mã, cổ phiếu VCB của Vietcombank được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 899 tỷ đồng trong tháng 1. Trong tháng vừa qua, mã này có nhịp tăng hơn 10,2% lên 88.500 đồng/cp. Đứng ở vị trí thứ hai là mã STB của Sacombank với quy mô 771 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép cũng được dòng tiền ngoại chú ý trong tháng vừa qua. Bộ đôi cổ phiếu HPG, HSG nằm trong top mua vào với quy mô giải ngân lần lượt 738 tỷ và 247 tỷ đồng.
Kế đó, dòng tiền của khối ngoại còn tìm đến nhiều đại diện thuộc nhóm tài chính ngân hàng, xây dựng & bán lẻ như VPB (663 tỷ đồng), VCG (514 tỷ đồng), MWG (444 tỷ đồng), CTG (403 tỷ đồng), EIB (259 tỷ đồng) và HCM (247 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu VNM dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô 956 tỷ đồng. Thống kê cho thấy xu hướng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu của Vinamilk đã kéo dài tháng thứ 5 liên tiếp.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo cập nhật mới đây, doanh thu thuần hợp nhất quý IV/2023 của Vinamilk đạt 15.619 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7% so với cùng kỳ.
Nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện và kiểm soát chặt chẽ các chi phí vận hành, lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 2.351 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Tính cả năm, doanh thu hợp nhất đạt 60.369 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế năm qua đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ và vượt 5% kế hoạch năm.
Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 rút ròng của khối ngoại là cổ phiếu VRE của Vincom Retail với quy mô 790 tỷ đồng.
Ngoài hai mã trên, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nhiều bluechip như MSN (401 tỷ đồng), VHM (379 tỷ đồng), LPB (276 tỷ đồng) và SAB (273 tỷ đồng).
Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 190 tỷ đồng trong tháng 1. Trong đó, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu PVS với quy mô 240 tỷ đồng, kế đến là SHS (209 tỷ đồng), CEO (35 tỷ đồng), TIG (15 tỷ đồng), BVS (14 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần dẫn đầu với quy mô 313 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Dòng tiền ngoại cũng phân bổ vào các cổ phiếu như MBS (18 tỷ đồng), TNG (15 tỷ đồng), DL1 (11 tỷ đồng), DTD (10 tỷ đồng), …
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng với quy mô gần 1.180 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu AIC Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không là tâm điểm thu hút tiền ngoại với giá trị 1.263 tỷ đồng, bỏ xa các mã cùng chiều là BSR (219 tỷ đồng), VEA (60 tỷ đồng), GDA (24 tỷ đồng), LTG (16 tỷ đồng).
Theo quan sát, phiên 31/1 xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến gần 75 triệu cổ phiếu AIC (chiếm ¾ khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Bảo hiểm Hàng không), tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 1.138 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, khối ngoại tập trung bán ròng 148 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Viettel Post. Theo sau đó, NCG bị rút ròng với giá trị 124 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng có thể kể đến như ACV (74 tỷ đồng), QNS (71 tỷ đồng), WSB (11 tỷ đồng), …