|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại gom xả mạnh nhất cổ phiếu nào trong năm rút ròng tỷ đô?

10:10 | 01/01/2021
Chia sẻ
Theo thống kê năm 2020, dòng vốn ngoại tập trung rút ròng tại các cổ phiếu bluechip như MSN, HPG, VIC, VRE. Chiều ngược lại, VHM dẫn đầu với giá trị mua ròng hơn 18.500 tỷ đồng. Mặc dù bị bán ròng mạnh nhưng hầu hết các cổ phiếu đều tăng mạnh trong năm qua.

Năm 2020 chứng kiến năm bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong 10 năm trở lại đây. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng tổng cộng 19.310 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua. Giá trị rút ròng trên các sàn HOSE (15.741 tỷ đồng), HNX (2.456 tỷ đồng) và UPCoM (1.114 tỷ đồng).

Tại giao dịch cổ phiếu, những NĐT nước ngoài bán ròng 23.239 tỷ đồng, tập trung trên sàn HOSE với 19.721 tỷ đồng. Chiều ngược lại, dòng vốn ngoại tìm đến chứng chỉ quỹ ETF nội với 4.505 tỷ đồng.

Khối ngoại tập trung xả MSN, HPG, VIC trong năm bán ròng kỷ lục

Trong năm rút ròng kỷ lục trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán ròng cổ phiếu MSN của Masan với giá trị 4.533 tỷ đồng. Cổ phiếu MSN giao dịch khởi sắc trong năm qua với tỷ lệ tăng giá trên 57%. 

Theo sau đó, hai cổ phiếu HPG và VIC bị bán ròng lần lượt 3.977 tỷ đồng và 2.975 tỷ đồng. Cổ phiếu thép có một năm giao dịch tích cực với nhiều mã tăng hơn 100% như HPG, HSG, NKG. Bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu HPG tăng giá hơn 114% năm qua.

Tương tự như HPG, cổ phiếu DIG cũng tăng giá trên 100% năm 2020. Giá trị bán ròng của khối ngoại tại cổ phiếu này là 2.122 tỷ đồng. Theo đó, Dragon Capital đã thoái vốn toàn bộ tại DIC Corp. Hai cổ phiếu bất động sản khác bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng là VRE (1.258 tỷ đồng) và CII (1.205 tỷ đồng).

Tại nhóm ngân hàng, HDB bị bán ròng mạnh nhất với 1.860 tỷ đồng, theo sau là BID (940 tỷ đồng). Cổ phiếu HDB tăng giá gần 46% trong năm 2020.

Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất trong năm 2020 còn có các cổ phiếu như VNM (1.683 tỷ đồng) và POW (1.224 tỷ đồng).

Khối ngoại gom xả mạnh nhất cổ phiếu nào trong năm rút ròng tỷ đô? - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Chiều mua ròng, cổ phiếu VHM dẫn đầu với giá trị 18.509 tỷ đồng. Trong tháng 6, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek, đã chi 650 triệu USD (15.100 tỷ đồng) mua 6% cổ phần Vinhomes.

Hai cổ phiếu khác được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng là PLX (1.513 tỷ đồng) và PGD (1.013 tỷ đồng).

Giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, mã FUEVFVND (VFM VNDiamond ETF) dẫn đầu giá trị mua ròng với 4.390 tỷ đồng), theo sau là FUESSVFL (SSIAM VNFin Lead ETF) với 709 tỷ đồng.

Theo tổng hợp, TPB là mã ngân hàng duy nhất lọt Top mua ròng của khối ngoại với giá trị 181 tỷ đồng năm 2020. Top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có MWG (586 tỷ đồng), PHR (545 tỷ đồng), KDC (432 tỷ đồng) và PME (380 tỷ đồng).

SHB bị bán ròng mạnh nhất trên HNX

Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB dẫn đầu về giá trị bán ròng trong năm giao dịch khởi sắc. Giá cổ phiếu SHB tăng khoảng 166% năm vừa qua. Giá trị rút ròng tại mã này là 966 tỷ đồng.

Ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng còn có PVS (629 tỷ đồng) và TNG (142 tỷ đồng). Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất còn có HUT, BVS, DXP, VHL, SHS, VCG và PGS với giá trị dưới 100 tỷ đồng. Ngoại từ PGS giảm giá hơn 25%, các cổ phiếu còn lại đều tăng giá. Cá biệt cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội tăng 25%.

Khối ngoại gom xả mạnh nhất cổ phiếu nào trong năm rút ròng tỷ đô? - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Tại chiều mua, mã VCS của Vicostone dẫn đầu với 142 tỷ đồng, đây cũng là mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Những mã được mua ròng nhiều với giá trị trên 10 tỷ đồng trên sàn HNX còn có SZB, IDV, BAX, DHT và KSD.

ACV, TID bị xả mạnh nhất trên UPCoM, khối ngoại gom mạnh MCH và VTP

Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu MCH của Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dẫn đầu về giá trị mua ròng với 140 tỷ đồng, theo sau là VTP với 106 tỷ đồng. Các mã trong Top10 cổ phiếu được mua ròng mạnh trên thị trường này năm vừa qua còn có VEA (67 tỷ đồng), VCP (50 tỷ đồng). Giá trị mua ròng của các mã VRG, SIP, MIG, OIL và ABI dưới 50 tỷ đồng.

Ngược lại, ACV bị bán ròng mạnh nhất năm vừa qua với 318 tỷ đồng. Theo tổng hợp, TID, MSR, BSR bị xả lần lượt 284 tỷ đồng, 259 tỷ đồng và 231 tỷ đồng trong năm qua. Các cổ phiếu LTG, VGG, KDF, VLC và NTC bị bán ròng dưới 150 tỷ đồng.

Thu Thủy

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.