Khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ tăng 7% trong nửa đầu năm 2019
Khối lượng nhập khẩu tôm Mỹ tăng trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Undeercurrent News
Tháng 6/2019 là tháng thứ 4 liên tiếp khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ tăng sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm nay.
Giá tôm nhập khẩu trung bình đạt 8,17 USD/kg, giảm 1% so với mức 8,26 USD/kg trong tháng 5/2019 và giảm 7% so với mức 8,79 USD/kg trong tháng 6/2018.
Tuy tăng liên tiếp 4 tháng nhưng vẫn chưa thể bù đắp cho sản lượng giảm trong 2 tháng đầu năm nên tổng nhập khẩu tôm của Mỹ nửa đầu năm nay đạt 300.683 tấn, trị giá 2,5 tỉ USD, giảm gần 1% về khối lượng và giảm 11% về giá trị.
Nguồn: Undercurrent News
Ecuador tiếp tục giữ vững vị trí là nguồn cung tôm lớn thứ ba của Mỹ
Quí II/2019, Ecuador tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ, vượt xa Việt Nam và là nguồn cung tôm lớn thứ ba của Mỹ.
Mỹ nhập khẩu 6.950 tấn tôm, trị giá 48,3 triệu USD từ Ecuador trong tháng 6/2019, tăng 31% về khối lượng và 41% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Giá tôm nhập khẩu trung bình đạt 6,93 USD/kg trong tháng 6/2019.
Nửa đầu năm 2019, Ecuador xuất khẩu 40.609 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 264,4 triệu USD, tăng 10% về khối lượng và giảm 0,15% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Nguồn: Undercurrent News
Tháng 6/2019, Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc (thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador) 33.587 tấn tôm.
Nửa đầu năm nay, tổng xuất khẩu tôm Ecuador đạt 307.842 tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2018.
Tháng 6/2019, Argentina xuất khẩu 866 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 9,4 triệu USD, tăng 3% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị.
Vụ khai thác tôm đỏ ngoài khơi của Argentina (diễn ra từ tháng 6 đến cuối tháng 10 hàng năm) cho sản lượng khá thấp trong thời điểm đầu vụ. Chỉ 1/3 đội tàu khai thác ngoài khơi của nước này ra khơi khai thác vào tháng 6.
Nguồn: Undercurrent News
Sản lượng tôm Ấn Độ dự kiến giảm trong năm nay
Ấn Độ tiếp tục là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ, xuất khẩu 20.559 tấn tôm, trị giá 164 triệu USD trong tháng 6/2019, tăng 16% về khối lượng và 6,5% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ 115.694 tấn tôm, trị giá 952,1 triệu USD, tăng 14% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị.
Dự báo, sản lượng tôm Ấn Độ năm nay giảm do thời tiết không thuận lợi và giá tôm giảm liên tục. Tính tới tháng 7 năm nay, người nuôi tôm Ấn Độ giảm từ 20 - 30% lượng tôm giống.
Công ty Avanti Feeds của Ấn Độ bày tỏ sự lạc quan về giá tôm trong thời gian tới.
Trong cuộc gọi hội nghị quí I gần đây, công ty cho biết sản lượng tôm nguyên liệu giảm 10 - 15% trong 3 tháng đầu năm nay do sự chậm trễ trong việc thả nuôi vào tháng 2.
Tuy nhiên, công ty hi vọng giá tôm sẽ phục hồi trở lại và điều kiện khí hậu thuận lợi hơn.
Trong khi đó, Indonesia, nguồn cung tôm lớn thứ 2 của Mỹ, đã ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ sau 4 tháng giảm liên tục.
Tháng 6/2019, Indonesia xuất khẩu 11.073 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 95,4 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và 6% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Do giảm trong 4 tháng đầu năm, nên nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ đạt 61.843 tấn, trị giá 526,3 triệu USD, giảm 6% về khối lượng và giảm 17% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Nguồn: Undercurrent News
Xuất khẩu tôm Mexico ổn định
Xuất khẩu tôm Mexico sang Mỹ tháng 6/2019 đạt 871 tấn, trị giá 9,9 triệu USD, tăng 135% về khối lượng và 120% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa của Mexico tuy nhiên tình hình này đang lắng xuống.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Mexico sang Mỹ đạt 10.751 tấn, tăng 38% so với cùng kì năm 2018.
Xuất khẩu tôm Trung Quốc giảm cả về khối lượng và giá trị
Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh.
Tháng 6/2019, xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ đạt 1.861 tấn, trị giá 9,5 triệu USD, giảm 47% về khối lượng và 121% về giá trị so với tháng 6/2018.
Tôm khô Trung Quốc. Ảnh: Undercurrent News
Nửa đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 9.466 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 53,2 triệu USD, giảm 52% về khối lượng và 62% về giá trị so với nửa đầu năm 2018.
Căng thẳng thương mại giữa 2 bên chưa có dấu hiệu lắng xuống, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đe dọa tăng thuế đối với các hàng hóa khác.