|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khoảng trống pháp lý các dự án BT

16:30 | 04/03/2018
Chia sẻ
Kết quả kiểm toán 21 dự án BT vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố với vi phạm phải xử lý hơn 3.800 tỷ đồng. Không những vậy, thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì cả 15 dự án đều có sai phạm.
khoang trong phap ly cac du an bt TP. HCM ngưng BT, 'trảm' dự án chậm triển khai để giữ quỹ đất sạch
khoang trong phap ly cac du an bt Thanh tra hai dự án BT tại Thái Bình: 100% chỉ định thầu
khoang trong phap ly cac du an bt Năm 2018, nhiều quỹ đất BT 'bung lụa' thành dự án

Tại Hà Nội, 2 dự án BT có biểu hiện sai phạm được nhắc đến nhiều là Dự án xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Sau 9 năm thực hiện mới chỉ làm được 12km đường. Đất trả nhà đầu tư là khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác. Thứ hai là Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Gamuda Land thực hiện có nhiều sai phạm: Chất lượng nhà máy yếu kém, cam kết hợp đồng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

khoang trong phap ly cac du an bt

Dự án BT Đường trục phía Nam Hà Nội đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, ngổng ngang khiến người dân đi lại khó khăn và bức xúc. Ảnh: S.T

Nhà nước đang bất lợi

Trên thực tế các dự án BT đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” của thất thoát, lợi ích nhóm. Nguyên nhân bắt đầu từ những tồn tại pháp lý.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 chỉ có Khoản 3 Điều 155 quy định về việc nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án. Ngoài ra không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Nghị định 43/2014 quy định thi hành chi tiết Luật Đất đai có riêng Điều 54 quy định về đất thực hiện dự án BT và BOT. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ quy định về việc nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không hề có quy định gì về loại đất đem đổi và xác định giá trị đất đai đem đổi. Nghị định 15/2015?NĐ - CP có nhiều liên quan đến dự án BT. Mặc dù vậy, khi phân tích sâu về khía cạnh chi phí – lợi ích có thể thấy nhiều bất lợi cho nhà nước.

Thứ nhất, về nguyên tắc, đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định 15 cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình.

Thứ hai, không có quy định chi tiết về đánh giá chất lượng và định giá giá trị công trình hạ tầng và định giá khu đất để trả cho nhà đầu tư là một khoảng trống pháp luật rất lớn.

Thứ ba, vấn đề quản lý giá trị trao toàn quyền cho một bộ là một cơ chế quản lý gắn với nguy cơ tham nhũng rất cao.

Thứ tư, Nghị định 15 khẳng định hợp đồng BT là căn cứ chủ yếu để hai bên Nhà nước và nhà đầu tư thực hiện mà không có quy định cụ thể về loại hợp đồng này cũng là một khoảng trống lớn về pháp luật.

Theo quy định, các dự án đầu tư mới từ nguồn ngân sách nhà nước đều phải là những dự án cần thiết, thực sự cấp bách. Thực chất, các dự án BT đều sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước nhưng các văn bản pháp luật lại không quy định đó phải là các dự án cần thiết, thực sự cấp bách. Thực tế, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, một số địa phương còn giao việc thực hiện dự án BT cho các nhà đầu tư đã được giao dự án trước đó nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách. Hơn nữa, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn không rõ ràng khiến việc thanh toán dự án bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Ngoài ra, việc thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế GTGT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh. Điểm bất hợp lý này tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp gian lận thuế, không kê khai thuế GTGT do thuế này được đối trừ trực tiếp vào giá trị đất.

Công khai, minh bạch dự án BT

Với thực trạng để cho nhà đầu tư tự đề xuất dự án, nhà nước thẩm định và đấu thầu theo những quy định lỏng lẻo của luật pháp cùng với sự thiếu minh bạch, phản biện của xã hội vô hình chung trở thành môi trường béo bở để nhà đầu tư, các nhóm lợi ích bắt tay với quan chức tham nhũng kiếm tiền bất hợp pháp.

Để áp dụng đầu tư theo hình thức BT, trước hết phải lấp đầy “khoảng trống” pháp luật. Cụ thể, cần có quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí – lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng (hoặc làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT); các nội dung cụ thể phải được đề cập trong hợp đồng thực hiện dự án BT giữa nhà nước và nhà đầu tư. Không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị; sử dụng đất ở để trả cho nhà đầu tư hạ tầng phải phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở cân đối với hạ tầng trong phát triển đô thị.

Đồng thời, phải có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát và quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí: Thay đổi hình thức thanh toán dự án BT

khoang trong phap ly cac du an bt

Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển ở Việt Nam rất lớn, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, các dự án BT hiện nay hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy đất xây đô thị và nhà ở vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao. Một số chủ đầu tư thường khai “dư” tổng mức đầu tư dự án để đổi lấy nhiều đất hơn. Thêm vào đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu bằng hình thức chỉ định thầu đang tạo nên cuộc cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nguy cơ tham nhũng và lợi ích nhóm. Đặc biệt là cơ hội thâu tóm đất vàng là rất lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, một hệ lụy tất yếu thất thoát trong dự án BT là “thất thoát kép”. Thứ nhất, hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh cho nên không phản ánh theo giá thị trường. Thứ hai, thất thoát từ đất đai vì không có giá trị nào để chứng minh.

Để tránh thất thoát cho Nhà nước, cần có hành lang pháp lý riêng về đầu tư BT. Không được cho phép chỉ định thầu, dự án phải được đưa ra đấu giá công khai để thu hút nhà đầu tư có năng lực thật sự. Ngoài ra, cần bỏ quy định cho phép nhà đầu tư tự lập dự án. Thay vào đó, việc này phải do cơ quan Nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt như dự án sử dụng ngân sách Nhà nước để tránh lợi ích nhóm, hay cơ chế xin cho. Kiến nghị xem xét thay đổi hình thức thanh toán dự án BT bằng quỹ đất chuyển sang thanh toán bằng tiền theo hình thức trả chậm, trong đó quy định cụ thể các cơ chế, yếu tố trong phương án tài chính đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw