Khoảng trống nguồn cung thúc đẩy sự ra đời của một Con đường Tơ lụa mới, nối Trung Quốc với châu Âu
Tuyến đường tự phát qua thảo nguyên du mục Á - Âu, uốn lượn từ Mông Cổ, Kazakhstan và Nga trước khi chạm đến ngưỡng cửa lục địa già cho thấy doanh nghiệp đã buộc phải áp dụng cách thức mới để duy trì hoạt động thời đại dịch như thế nào.
Một số công ty thuộc nhóm lớn nhất của Đức đã sử dụng nền tảng InstaFreight GmbH để sắp xếp các tuyến đường cung ứng hàng hóa mới sau khi lệnh hạn chế di chuyển đe dọa nguồn cung linh kiện của họ. Một cựu tư vấn viên của Bain & Co. điều hành và công ty đầu tư mạo hiểm của Royal Dutch Shell tài trợ nền tảng InstaFreight GmbH.
Theo Bloomberg, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của công ty giao vận kĩ thuật số trên chủ yếu chỉ giới hạn ở phạm vi lục địa châu Âu, nơi mà nền tảng đặt chỗ trực tuyến của InstaFreight sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa kí gửi từ nhà cung ứng đến tận cửa khách hàng.
Sau khi COVID-19 bắt đầu lây lan vào tháng 3, vận tải hàng không của Đức đóng băng, khiến hàng nhập khẩu trở nên khan hiếm.
Ông Philipp Ortwein - nhà đồng sáng lập InstaFreight, đã nhận thấy một thị trường mới mà đội xe gồm khoảng 12.000 chiếc của công ty có thể chen chân vào.
Khi ấy, doanh nghiệp trên khắp châu Âu đang tuyệt vọng vì khan hiếm các nguồn cung quan trọng như linh kiện điện tử, trong khi ngành hàng không đã giảm đáng kể công suất vận chuyển, ông Ortwein nói.
Vào ngày 6/4, giữa lúc số ca tử vong vẫn đang tiếp tục tăng lên trên khắp châu Âu, InstaFreight đã bắt đầu giao cho đội xe vận chuyển hàng hóa kí gửi từ Trung Quốc.
Tài xế xe tải sẽ đấu thầu để giành lô hàng trên nền tảng trực tuyến của InstaFreight. Hàng trăm nhà khai thác có rơ-moóc có thể chuyên chở đến 40 tấn đã phản hồi chỉ trong vài ngày.
Từ đó, một tuyến đường cung ứng hàng hóa mới từ Trung Quốc đã hình thành, kéo dài gần 10.000 km đến tận châu Âu. Trước khi dừng chân ở Đức, xe tải sẽ đi những chặng cuối qua Belarus và Ba Lan.
"Con đường Tơ lụa" dài gần 10.000 km
Rất nhiều xe tải đang ngang dọc trên cung đường mới và thêm hàng trăm xe khác sẽ bắt đầu cuộc đua kì thú kéo dài ba tuần trên Con đường Tơ lựa này, Bloomberg dẫn lời ông Ortwein.
"Số hóa đang nổi lên như một công cụ giúp doanh nghiệp sinh tồn và phát triển mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng y tế và sẵn sàng cơ cấu lại các ngành công nghiệp quan trọng hậu COVID-19", nhà đồng sáng lập InstaFreight nhận định. Ông Ortwein từ chối tiết lộ tên các công ty hoặc mặt hàng cụ thể có liên quan đến tuyến đường cung ứng mới.
Mặc dù xe tải có thể không phải là loại hình vận chuyển nhanh hoặc thân thiện với môi trường nhất đối với các chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn vì đại dịch, mạng lưới giao thông đường bộ lại tỏ ra khá linh hoạt và kiên cường ở thời điểm khủng hoảng này.
Trên InstaFreight, mức giá hiện tại để đặt một xe trọng tải 20 tấn vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Đức trung bình rơi vào khoảng 15.000 euro (tương đương 16.300 USD). Trong khi chi phí đối với một chuyến bay thuê nguyên chiếc 100 tấn và có thể vận chuyển gấp 4 lần trọng tải của xe tải là khoảng 1 triệu euro.
BDL-Aero, công ty tư vấn ngành hàng không, nhận định các máy bay chở khách thường vận chuyển khoảng một nửa hàng hóa chuyên chở theo đường hàng không của Đức và có thể phân phối hàng đến khoảng 200 điểm bên ngoài châu Âu, trong khi máy bay chỉ chuyên chở hàng chỉ có thể di chuyển đến 50 điểm.
Song ông Stefan Schultein - CEO của công ty Fraport AG, dự đoán các tuyến đường của máy bay chở khách khó có thể phục hồi trước tháng tới.
"Chúng tôi dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản đối với ngành vận tải hàng không", ông Timo Stroh - Giám đốc Dachser SE (một trong các công ty logistics lớn nhất nước Đức), nói.
Ông Stroh nhận thấy trong tương lai, hoạt động vận tải sẽ đạt sự cân bằng nhất định, tích hợp nhiều phương thức vận chuyển như hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng công nghiệp vẫn nguyên vẹn.
Ortwein hi vọng công việc kinh doanh của công ty với Trung Quốc sẽ tăng trưởng xuyên suốt cuộc khủng hoảng. Bên cạnh Con đường Tơ lụa mới, công ty đang cân nhắc chuyển sang vận tải đường bộ và đường sắt để cắt giảm thời gian giao hàng và lượng khí thải CO2.