Khoan mừng với xuất siêu gần 4 tỉ USD
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả VN ẢNH: Đ.N.THẠCH |
Xuất khẩu hộ
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của VN 9 tháng 2016 đạt khoảng 254 tỉ USD, tăng 3,9%, tương ứng tăng gần 9,5 tỉ USD so với 9 tháng 2015. Cụ thể, xuất khẩu đạt 128,58 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ; nhập khẩu 124,86 tỉ USD, tăng chỉ 0,9%. Như vậy, trong 9 tháng qua, thặng dư thương mại của cả nước đạt 3,72 tỉ USD.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN, doanh nghiệp (DN) FDI chiếm tới 70%, đạt mức 90 tỉ USD, tăng 10% so cùng kỳ (tương đương 8 tỉ USD). Nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của VN trong 9 tháng qua đều tăng và dĩ nhiên, vai trò của DN FDI là rất lớn, thậm chí chiếm gần như tuyệt đối trong tổng giá trị. Chẳng hạn xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 25,5 tỉ USD là của Samsung VN; hàng dệt may 17,8 tỉ USD đa số của nước ngoài; máy vi tính, sản phẩm điện tử xuất khẩu 12,9 tỉ USD cũng vậy… Còn những mặt hàng có dính dáng đến DN VN như thủy sản (5 tỉ USD), gỗ (5 tỉ), cà phê (2,5 tỉ)… có kim ngạch khá khiêm tốn so với DN FDI.
Xuất siêu không phải từ nội lực của DN trong nước mà nhờ FDI nên chỉ là hình thức chứ không phải thực trạng nền kinh tế VN đang phát triển mạnh mẽ và bền vững. Vì thế, xuất siêu không lấy gì làm mừng cả. VN cần hành động nhanh và cấp thiết hơn để DN nội địa phát triển Khoan mừng với xuất siêu gần 4 tỉ USD TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế |
Đối với 10 nhóm hàng nhập khẩu chiếm kim ngạch lớn nhất như máy móc, thiết bị; điện thoại; xăng dầu đều có giá trị kim ngạch giảm. Các sản phẩm nhập khẩu khác có giá trị tương đương so với năm 2015 gồm sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may da giày… Có thể thấy, việc giảm nhập khẩu những nhóm hàng có kim ngạch lớn cộng với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng của nhóm hàng do DN FDI gia công ở VN là lý do khiến VN xuất siêu.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, xuất siêu gần 4 tỉ USD trong 9 tháng qua không có gì đáng mừng. “Xuất khẩu hàng hóa VN hiện nay do FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch, trong khi giá trị gia tăng đóng góp vào GDP của VN chỉ chiếm dưới 20%. Tỷ lệ này là quá thấp vì VN chủ yếu xuất khẩu hộ cho nước ngoài do DN FDI phần lớn gia công ở VN hoặc nhập khẩu nguyên phụ liệu về để sản xuất rồi xuất khẩu; đồng thời hưởng nhiều ưu đãi. Ví dụ rõ nhất là xuất khẩu điện thoại, phần giá trị mà VN được hưởng vô cùng nhỏ. Trong 10 năm qua, xuất khẩu của FDI tại VN tăng 20 điểm phần trăm, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế chỉ tăng 3 - 4 điểm phần trăm. Đấy là nghịch lý. VN vẫn chỉ làm thuê, làm công cho DN FDI”, ông Trinh phân tích.
Báo động sản xuất trong nước yếu
Theo ông Trinh, VN cần thiết phải nhận thức rõ thực trạng nêu trên và cần phải thay đổi. Thứ nhất là phải thay đổi cấu trúc ngành bằng việc giảm khu vực kinh tế gia công qua khu vực dịch vụ. Nếu thực hiện được chiến lược này, tăng trưởng của VN sẽ cao hơn, VN được hưởng lợi nhiều hơn. “Còn chăm chăm vào phát triển kinh tế gia công, không chỉ VN hưởng lợi ích còm cõi mà phải đánh đổi môi trường để nhận ô nhiễm.
Thứ hai, phải thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế trong nước với lực lượng chính là DN nội địa. Xuất siêu của VN trong 9 tháng qua thực tế do nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị giảm. Hiện, nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 60% tổng kim ngạch nhập khẩu VN, nhập khẩu máy móc chiếm 30% và hàng tiêu dùng chỉ 10%. Như vậy, nếu nhập khẩu giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ sản xuất sau”, ông Trinh cảnh báo.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng với bối cảnh kinh tế VN hiện tại, xuất siêu là biểu hiện của nhu cầu sản xuất trong nước giảm. VN xuất siêu chủ yếu nhờ FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. VN xuất siêu nhờ vào các thị trường EU, Mỹ nhưng đối với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, VN lại nhập siêu khủng khiếp. Xuất siêu cũng biểu hiện của sản xuất nội địa kém, vì nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu giảm “Hậu quả chính là lệ thuộc ngày càng lớn vào FDI, nội lực không được phát huy. VN đang tập trung tháo gỡ rào cản để DN nội địa phát triển và cũng đã xem đối tượng DN này là động lực phát triển nhưng thực tế thay đổi không nhiều. Xuất siêu không phải từ nội lực của DN trong nước mà nhờ FDI nên chỉ là hình thức chứ không phải thực trạng nền kinh tế VN đang phát triển mạnh mẽ và bền vững. Vì thế, xuất siêu không lấy gì làm mừng cả. VN cần hành động nhanh và cấp thiết hơn để DN nội địa phát triển. Tránh hiện tượng DN nước ngoài lấn át nội lực trong nền kinh tế. Chính phủ cũng đã nhìn thấy vấn đề nhưng quan trọng là lời nói có biến thành hành động, trên nói dưới có nghe hay không”, ông Long phát biểu.
Cùng nhìn nhận, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ 6% trong khi mục tiêu đề ra là 10%. Mức độ tăng trưởng như vậy là không cao, nên chứng tỏ xuất siêu do nhập khẩu giảm nhiều.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “DN trong nước hiện đang đuối sức trong cạnh tranh với khu vực, riêng nhập siêu từ Thái Lan lên đến 3,2 tỉ USD. Đấy là điều không bình thường. Tôi đề nghị cần phải có cuộc họp bàn bạc cụ thể, chứ cứ để lẳng lặng như thế này sẽ rất nguy hiểm”.
Ở một khía cạnh khác, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nền kinh tế tăng trưởng cao gắn với nhập khẩu nhiều. Vì thể, nhập khẩu giảm chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ không như kỳ vọng.
“Năm nay có yếu tố giá cả giảm, VN đã phải xuất khẩu khối lượng lớn để bù giá trị. Bên cạnh đó, trong cơ cấu xuất khẩu có thể thấy chủ yếu là hàng hóa của DN FDI. Việc gia tăng xuất khẩu của FDI và chiếm ngày càng lớn tỷ trọng xuất khẩu của VN báo động rằng, khu vực kinh tế trong nước rất kém. Từ khi gia nhập WTO đến nay đã 10 năm, tỷ trọng xuất khẩu FDI tăng nhanh do họ tận dụng cơ hội tốt hơn. Trong khi, lẽ ra cơ hội này là của DN nội địa. Nhưng khu vực nội địa đang thiếu năng lực. Trong hội nhập mà không tận dụng được cơ hội sẽ yếu đi là điều tất nhiên”, ông Thiên bình luận.
Theo N.Trần Tâm