Khó như... nuôi heo!
Một trang trại heo của Vissan. Ảnh: TL |
Lên sàn vào đầu tháng 10-2016 với giá giao dịch những ngày đầu tiên 85.000 đồng/cổ phiếu, thị giá Vissan cứ rớt dần, bất chấp chứng khoán nói chung tăng trưởng và chỉ số VN-Index đang ở mức cao nhất mười năm. So với giá IPO thành công bình quân 126.000 đồng/cổ phiếu, thị giá Vissan giờ đây chỉ bằng 32%.
Chịu ảnh hưởng tiêu cực và chắc chắn phải trích lập dự phòng rủi ro lớn là Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (Masan Nutri-Science hiện nắm giữ 70% cổ phần Anco), đơn vị đã trúng đấu giá 11,33 triệu cổ phiếu, tương đương 14% cổ phần Vissan. Trong trường hợp thị giá Vissan cứ giữ mức hiện hành cho đến cuối năm, Anco phải trích lập dự phòng rủi ro 974 tỉ đồng - con số có thể “nuốt chửng” toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vissan là công ty hàng đầu ở phía Nam chuyên về giết mổ, chế biến, đóng gói, phân phối sản phẩm thịt heo. Giá heo hơi giảm mạnh và kéo dài do nguồn cung cao hơn nhu cầu tiêu thụ và biến động của việc nhập heo Việt Nam từ phía Trung Quốc đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên Vissan không chăn nuôi, do đó giá heo hơi giảm trên thực tế không ảnh hưởng đến công ty. Theo báo cáo tài chính bán niên 2017, tỷ suất lợi nhuận gộp sáu tháng đầu năm của VSN tăng từ 17% cùng kỳ năm ngoái lên mức 25%, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 15% đạt gần 73 tỉ đồng. Do vậy sự giảm giá của cổ phiếu Vissan có thể đến từ nguyên nhân nhà đầu tư không còn kỳ vọng vào sự phát triển mạnh của ngành chăn nuôi thịt heo trong thời gian qua và tương lai gần.
Ngoài Vissan, các công ty chăn nuôi như Công ty cổ phân Chăn nuôi (MLS-Hnx), Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco (DBC-Hnx), Công ty Phú Sơn... đều đang trong những ngày khó khăn. Dabaco đã lỗ trong sáu tháng đầu năm, đặc biệt lỗ nhiều trong quí 2-2017 và đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ từ khi lên sàn. Sang quí 3-2017, DBC đã có lợi nhuận, nhưng cũng chỉ mười mấy tỉ đồng, kém xa so với cùng kỳ. Nếu giá heo không tăng, MLS, DBC sẽ còn gian nan.
Điều đáng nói là những “ông lớn” bắt đầu đổ nhiều tiền của vào chăn nuôi và chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi như Hùng Vương (HVG-Hose), Hòa Phát (HPG-Hose), Masan đang ngấm nỗi đau heo mất giá. Đầu năm ngoái, Hòa Phát thành lập Công ty Phát triển nông nghiệp với vốn điều lệ tới 2.500 tỉ đồng. Năm trước đó Hòa Phát đã lấn sân vào nông nghiệp, nhưng chỉ tập trung bán nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Khi Công ty Phát triển nông nghiệp ra đời, Hòa Phát sang hẳn Đan Mạch nhập 500 con heo giống cụ kỵ để về gây giống. Sau đợt nhập thứ hai, tổng số heo con dòng cụ kỵ của HPG tăng lên 1.800. HPG chưa đưa thịt heo cũng như sản phẩm chế biến ra thị trường, nhưng với tình hình này, việc tập trung chuyển hướng vào chăn nuôi rõ ràng đang trở ngại. Việc HPG hoãn xây dựng nhà máy chế biến là kịp thời.
Cũng như Hòa Phát, tập đoàn Hùng Vương nhập heo từ Đan Mạch. Hùng Vương đang rất căng về dòng tiền do xuất khẩu cá tra không thuận lợi, trong khi nợ vay cao và chi phí lãi vay đang ngốn gần hết lợi nhuận.
Masan cũng không nằm ngoài vòng xoáy của giá heo rơi bởi lợi nhuận của mảng thức ăn chăn nuôi phụ thuộc chủ yếu vào việc phát triển đàn lợn. Nếu nông dân bỏ chuồng trống, tiêu thụ thức ăn cho heo sẽ giảm mạnh và kéo dài. Công ty Masan Nutri Science của Masan buộc phải tăng chiết khấu bán hàng, giảm giá bán niêm yết để giữ thị phần. Ở đây chưa tính đến việc trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vào Vissan như đã nói ở phần trên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm nay giá heo hơi giảm 62% so với mức bình quân cùng kỳ. Hồi đầu năm, giá heo hơi có lúc chỉ còn 22.000 đồng/ki lô gam, nay đã lên lại 27.000-29.000 đồng/ki lô gam. Với giá này người nuôi vẫn chưa có lãi. Thời cao điểm, giá heo hơi đã từng chạm mốc 50.000 đồng/ki lô gam.
Có nhiều lý do doanh nghiệp tầm cỡ chuyển hướng sang làm nông nghiệp. Thứ nhất thực phẩm là loại hàng hóa thiết yếu, ai cũng phải dùng, nhu cầu ổn định. Song điều mà có thể doanh nghiệp chưa lường hết là khi nguồn cung tăng đột biến mà thị trường tiêu thụ từ phía Trung Quốc co lại, chúng ta đã không có thị trường tiêu thụ dự trữ thay thế trừ nội địa. Thứ hai có những doanh nghiệp tính làm nông nghiệp để được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên đầu tư nông nghiệp rủi ro và không dễ ăn vì tiêu thụ sản phẩm của ngành không chỉ phụ thuộc vào chúng ta. Giá các loại hàng hóa kể cả lương thực, thực phẩm phụ thuộc một phần vào thế giới. Cuộc mưu sinh với nông nghiệp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một thí dụ.
Cổ phiếu những doanh nghiệp chăn nuôi đang không gặp thiên thời.