|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn về vốn và bị chỉ trích về môi trường, nhiệt điện than dần mất chỗ đứng tại Việt Nam?

06:34 | 02/03/2020
Chia sẻ
Theo Bloomberg, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và một số lo ngại về môi trường khiến việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than trở nên khó khăn hơn, Việt Nam có thể rút lại kế hoạch tăng cường vai trò của than đá trong lưới điện quốc gia.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, so với Qui hoạch điện VII điều chỉnh, trong cơ cấu nguồn điện mới, công suất nhiệt điện than sẽ giảm 8.760 MW vào năm 2025 và giảm 6.340 MW vào năm 2030, do tiến độ triển khai chậm và một số vùng không đồng thuận phát triển nhiệt điện than, VietnamPlus đưa tin. 

Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về đề nghị trên.

Theo Bloomberg, đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia cho thấy vai trò của than đá trong lưới điện ở các nước đang phát triển bắt đầu suy yếu dần mặc dù than đá là lựa chọn rẻ và dễ kiếm nhất. Tương tự, các quốc gia giàu có hơn cũng đang tránh xa nguồn năng lượng này.

Vai trò của nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ suy yếu vì khó được cấp vốn và vấp phải chỉ trích về vấn đề môi trường? - Ảnh 1.

Các dự án nhiệt điện than ngày càng khó được cấp vốn do vấp phải tranh cãi về vấn đề môi trường. (Ảnh: Getty Images)

Nhiều ngân hàng trên toàn cầu cũng đang từ chối cấp vốn cho các dự án điện than, khiến kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Trong khi đó, các bên liên quan đang nỗ lực giảm chi phí để doanh nghiệp có thể theo đuổi các dự án năng lượng tái tạo.

Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, than đá sẽ cung cấp khoảng 37% điện năng cho Việt Nam vào năm 2025 thay vì 50% như dự kiến trước đây. Năng lượng tái tạo được kì vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà than đá để lại, với tỉ trọng tăng từ 13% hiện tại lên khoảng 25% tổng điện năng của Việt Nam năm 2025.

Tỉ trọng của các nhà máy thủy điện và khí đốt tự nhiên, vốn chiếm phần lớn công suất điện năng còn lại, sẽ không thay đổi nhiều.

Bà Daine Loh - nhà phân tích của Fitch Solutions, cho hay trong kế hoạch phát triển điện lực mới (dự kiến hoàn thiện vào tháng 6), chính phủ Việt Nam nhiều khả năng sẽ tập trung hơn vào năng lượng tái tạo.

Dù vậy, bà Loh nhận định rủi ro thiếu hụt điện năng và việc cần phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa rằng chính phủ Việt Nam có thể vẫn sẽ duy trì sự phụ thuộc vào than đá.

Vai trò của nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ suy yếu vì khó được cấp vốn và vấp phải chỉ trích về vấn đề môi trường? - Ảnh 2.

Bloomberg cho rằng Việt Nam là một điểm nóng trong cuộc tranh luận toàn cầu về điện than. Bà Loh cho hay khoảng 17 gigawatt (GW) công suất điện than đang được xây dựng tại Việt Nam, trong khi 29 GW khác đang trong giai đoạn tiền khởi công.

Theo BloombergNEF, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách 10 nước có kế hoạch phát triển nhiệt điện than hàng đầu thế giới. Nhiều nhà máy trong số này đã thu hút tài trợ từ các ngân hàng Nhật Bản và một số nước khác trong vài năm qua.

Năm ngoái, nhiều ngân hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng như từ châu Âu và Mỹ đã bắt đầu hạn chế cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than vì lo ngại rằng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, các nhà máy gây ô nhiễm này sẽ phải đóng cửa trước khi các khoản nợ được trả hết.

Nhà phân tích Allen Tom Abraham của BloombergNEF cho hay sự rút lui của các ngân hàng thương mại châu Á sẽ là một điểm mang tính bước ngoặt, khiến nhiều dự án nhiệt điện than tại Indonesia và Việt Nam không được cấp vốn.

Theo BloombergNEF, các công ty tư nhân trước đó từng đề xuất xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam với tổng công suất 20,3 GW cho đến năm 2030. Tuy nhiên, ông Abraham thông tin rằng chưa đến 8 GW trong số này được cấp vốn, và nhiều dự án còn lại sẽ không bao giờ có cơ hội đó.

Than đá cũng đang vấp phải sự phản đối trên khắp châu Á do liên quan đến các vấn đề về chất lượng không khí.

Hồi đầu tháng 1 năm nay, báo Thanh niên đưa tin một liên minh gồm các tổ chức nghề nghiệp và xã hội tại Hà Nội - vốn hoạt động về quyền sức khỏe và môi trường, đã kêu gọi ngừng xây dựng 14 dự án nhiệt điện than có tổng công suất 17,4 GW.

Khả Nhân