|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiệt điện than gây nguy cơ với thủy sản ĐBSCL

16:23 | 13/01/2020
Chia sẻ
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), tổ chức khoa học - công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa có nghiên cứu “Phân tích chi phí, lợi ích của kịch bản năng lượng dưới góc nhìn của khu vực ĐBSCL” với các kịch bản phát triển nguồn điện. Trong đó, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện phân tích về nhiệt điện than gây nguy cơ với thủy sản ĐBSCL.

Đặc tính thủy sản

Theo ông Thiện, ĐBSCL là vựa thủy sản quốc gia và dù là thủy sản nước ngọt cũng phải tính hệ thống lưu vực sông rạch và cả vùng nước biển gần bờ. Bởi vì, nhiều loại thủy sản nước ngọt có giá trị ở ĐBSCL di chuyển giữa các vùng mặn, ngọt, lợ trong các giai đoại vòng đời.

Chẳng hạn cá bông lau (Pangasius krempfi), cá nước ngọt nhưng di chuyển ra biển trong một số giai đoạn của vòng đời. Đây là một loài có đường di cư dài nhất của các loài cá Mekong. Cá bông lau sinh sản ở các vùng thác trung lưu Mekong, trứng trôi xuống vùng hạ lưu. 

Ở ĐBSCL, loài cá này khi còn nhỏ sống một giai đoạn ở Biển Đông đến khi đạt kích cỡ nào đó, chúng di chuyển vào nước ngọt và sau đó di chuyển lên nam Lào vào tháng 5 - 6 (Roberts, 1993b; Roberts và Baird, 1995) để sinh sản vào đầu mùa mưa.

Tương tự như cá bông lau là cá tra bần (Pangasius mekongensis), sống ở vùng cửa sông ĐBSCL và di cư ngược dòng Mekong lên nam Lào để sinh sản. 

Chúng là đối tượng khai thác quan trọng đối với nghề đánh cá ở các vực nước sâu trên sông Tiền, sông Hậu (như cù lao Tân Lộc, kinh Vàm Nao...) và vùng ven biển (Nguyễn Văn Thường và ctv., 2009). Ngư dân đánh bắt cá bông lau thỉnh thoảng câu được cá tra bần.

Còn cá ngát (Plotosus canius) lại sống được ở cả ba môi trường nước ngọt, lợ và mặn, thường phân bố khá rộng từ vùng nước ngọt trên sông Tiền, sông Hậu đến vùng nước lợ ở cửa sông và ven biển.

Họ hàng nhà tôm có tôm càng xanh (M. rosenbergii de Man 1879) mà vòng đời qua 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. 

Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, khi mang trứng thì di cư ra vùng nước lợ có độ mặn 6 - 18‰ và ấu trùng nở ra, sống phù du trong nưóc lợ. Sau 11 lần lột xác để thành tôm con, lại di chuyển dần vào vùng nước ngọt.

Trong tự nhiên, tôm thành thục và giao vĩ xảy ra hầu như quanh năm. Tùy từng nơi mà chỉ tập trung vào những mùa chính, ở ĐBSCL có hai mùa tôm sinh sản chính là tháng 4 - 6 và tháng 8 - 10. 

Tôm cái thành thục lần đầu ở khoảng 3 - 3,5 tháng kể từ hậu ấu trùng 10 - 15 ngày tuổi. Kích cỡ tôm nhỏ nhất đạt thành thục được ghi nhận là khoảng 10 - 13 cm và 7,5 g. Tuy nhiên, tuổi thành thục và kích cỡ thành thục của tôm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường và thức ăn.

Ô nhiễm nhiệt

Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, 12 nhà máy nhiệt than với tổng công suất 15.780 MW dự kiến được xây dựng tại khu vực ĐBSCL. Như vậy, cùng với 2 nhà máy đã xây dựng, đi vào vận hành (Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3), tới năm 2030, tổng công suất từ nhiệt than sẽ là 18.268 MW.

Nhiệt điện than gây nguy cơ với thủy sản ĐBSCL - Ảnh 1.

Danh sách nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL theo quy hoạch hiện nay

 Theo ông Thiện, nhà máy nhiệt điện than sẽ gây ra ô nhiễm nhiệt đối với môi trường nước rất có hại với thủy sản. Ô nhiễm nhiệt là sự hủy hoại chất lượng nước bởi những tiến trình làm thay đổi nhiệt độ của nước, thường do sự xả nước nóng từ nhà máy nhiệt điện than. Các hậu quả cụ thể:

Gây sốc nhiệt cho các loài sinh vật: Trong môi trường thiên nhiên, các loài sinh vật thủy sinh sống và tăng trưởng trong giới hạn biến động nhiệt độ hẹp, một số loài nhạy cảm nhiệt có thể chết do sự thay đổi nhiệt độ vượt khỏi mức chịu đựng. Thay đổi lượng ôxy hòa tan trong nước: Việc tăng nhiệt độ của nước làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước.

Thay đổi sự phân bố tự nhiên của các loài sinh vật thủy sinh: Thành phần và sự đa dạng các loài thủy sinh trong khu vực gần nơi xả nước làm mát nhà máy sẽ bị ảnh hưởng do trực tiếp tiếp xúc với nhiệt quá cao, sự di chuyển của các sinh vật ra xa khỏi môi trường không thuận lợi vì thiếu ôxy và nhiệt độ cao.

Nhà máy nhiệt điện than sử dụng lượng lớn nước làm mát với đầu ra cao hơn đầu vào 80C, nếu đầu vào 25 - 270C (có thể lên tới 320C vào mùa hè) thì đầu ra 33 - 350C (có thể lên tới 400C). Theo ông Thiện, nếu không hạn chế nhiệt điện than thì từ năm 2020 đến năm 2050, tổng lượng nước làm mát tăng hàng năm 21,8 tỷ m3

So với tổng lưu lượng sông Mekong trung bình 475 tỷ m3/năm, thì lượng nước làm mát chiếm đến 4,5%. Đây là tỷ lệ rất đáng kể.   

Nghiêm trọng hơn là nhiều nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch bên bờ sông Hậu (Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu và Trung tâm nhiệt điện Long Phú). 

Ông Thiện tính toán riêng cho sông Hậu, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện được xây dựng theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, khi vận hành sẽ có tổng lượng nước làm mát là 29,2 triệu m3/ngày đêm, tương đương với 338,4 m3/s. 

Trong lúc, nước sông Mekong vào Việt Nam thay đổi lớn theo mùa và theo năm, nếu vào mùa khô nhiệt độ nước sông Hậu do nhà máy nhiệt điện tác động mà có thể bị nâng từ 300C lên 31,48 - 31,60C. 

Riêng cho trường hợp Trung tâm nhiệt điện Long Phú ở nhánh sông Trần Đề, có thể nâng nhiệt độ nhánh sông này từ 300C lên 31,8 - 32,070C. Đó mới tính toán theo thời tiết bình thường, còn tình huống đặc biệt khô hạn như năm 2016 thì ảnh hưởng rất lớn.

 

Sáu Nghệ