|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn liên hoàn, ngành thủy sản có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu?

15:11 | 09/08/2021
Chia sẻ
VASEP dự báo nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Mỹ, EU sẽ tăng mạnh sau khi có chương trình tiêm chủng vắc xin trên diện rộng. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt thiếu hàng giao cho đối tác vì nhà máy tạm ngừng hoạt động.


Thị trường cần mua nhưng doanh nghiệp thiếu hàng

Tại "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021", ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết Cà Mau có sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản khá lớn, đặc biệt là diện tích nuôi trồng tôm.

Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội đẩy hơn 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào thế khó cả về sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

"Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu "3 tại chỗ" dẫn đến tình trạng công suất hoạt động bị giảm mạnh.

Nông thủy sản cũng bị giảm giá trầm trọng, nông dân chán nản, bỏ sản xuất. Điều này làm tăng nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất sau đại dịch", ông Sử nói.

Không riêng ở Càu Mau, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam khiến 70% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Phần còn lại hoạt động cầm chừng 30 - 50% số lượng lao động, công suất sản xuất chỉ còn 30 - 40%.

Hệ lụy của điều này thấy rõ ở cú đảo chiều giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 7. Nếu như nửa đầu tháng 7, xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng 16% thì bước sang nửa cuối tháng 7 giá trị xuất khẩu giảm tới 20% so với nửa đầu tháng và giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Xuất khẩu thủy sản có xu hướng chững lại do nhiều doanh nghiệp không nhận đơn hàng mới vì nhà máy tạm ngừng sản xuất, không có hàng xuất đi.

Với công suất 20 – 30%, doanh nghiệp nhận đơn mới chắc chắn sẽ chịu thiệt bởi chi phí sản xuất, cước tàu tăng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể phải bồi thường cho đối tác nếu tiến độ giao hàng chậm.

Do đó, tùy vào lượng hàng dự trữ trong kho, doanh nghiệp quyết định nhận thêm đơn mới hay chỉ trả hàng các hợp đồng đã ký".

Đại diện VASEP cho biết khó đưa ra dự báo kịch bản xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm vì dịch COVID-19 đang biến động từng giờ, từng ngày. 

Ngành thủy sản có đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 8,7 - 9 tỷ USD phụ thuộc vào cuộc chạy đua vắc xin của các doanh nghiệp và mức độ kiểm soát dịch của Việt Nam.

Gần đây, Chính phủ đưa ra thông điệp tiêm ngừa vắc xin mũi 1 cho phần lớn người dân 19 tỉnh phía Nam. 

Do đó, các doanh nghiệp đang tích cực làm việc với địa phương về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân ngành thủy sản trong tháng 8 để sớm khôi phục sản xuất và có động lực nhận các đơn hàng mới.

Khó khăn liên hoàn, ngành thủy sản có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu? - Ảnh 1.

Ngành thủy sản có đạt được mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam (Ảnh: VASEP)

Trước đó, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU sẽ tăng mạnh khi có chương trình tiêm chủng vắc xin trên diện rộng.

Tuy nhiên dịch COVID-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp dấy lên lo ngại nếu ngành thủy sản chậm phủ sóng vắc xin thì nguy cơ có thể tuột mất nhiều thị trường xuất khẩu lớn hoặc tạo cơ hội cho các đối thủ gia tăng thị phần.

Trả lời về vấn đề này, ông Hòe cho biết: "Trong thời điểm hiện tại, việc mất khách hàng xuất khẩu lớn sẽ chưa xảy ra vì đối tác cũng hiểu lý do khách quan ảnh hưởng đến xuất khẩu toàn cầu là đại dịch COVID-19.

Việt Nam không xuất hàng đi được thì các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia cũng khó khăn tương tự.

Ngoài ra, thủy sản là thực phẩm thiết yếu và Việt Nam nằm trong top 3 nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới. Do đó, các nhà nhập khẩu sẽ cảm thông, không cắt đơn hàng trong thời điểm này".

Doanh nghiệp thủy sản tê liệt

Dịch lan rộng vào đúng thời điểm thủy sản bắt đầu vụ, cá tới lứa nhưng không có người thu hoạch, chế biến. Các đơn vị sản xuất nguyên liệu không còn cách nào khác phải tiếp tục ngâm cá dưới ao, cá tra càng to, doanh nghiệp lỗ càng thảm. 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc công ty TNHH MTV TM Minh Đức Thành (Kocana) cho biết doanh nghiệp chuyên sản xuất cá tra nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản.

"Khoảng đầu tháng 7, các doanh nghiệp vẫn còn thu mua cá tra với giá 22.000 đồng/kg. Với giá này, dù lỗ nhẹ nhưng ít nhất vẫn có thể đẩy lứa cá đi.

Đến nay, các nhà máy tạm ngừng thu mua, sản xuất khiến lượng cá quá lứa tồn dưới ao lên tới hơn 1.000 tấn. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng lần thứ 9 khiến doanh nghiệp khó tứ bề, không biết sẽ cho cá ăn cầm chừng đến khi nào", ông Phương nói.

Vài năm trở lại đây, Kocana cũng phát triển thêm nhiều sản phẩm khô cá tra để gia tăng giá trị khi giá cá giảm sâu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa còn khá thấp, chỉ chiếm 10 – 20% tổng sản lượng cá tra, trong khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Do đó, dù cá tra quá lứa nhưng doanh nghiệp đứng giữa "ngã ba đường", không thể tăng công suất chế biến, cũng không thể thu hoạch, cấp đông cá vì tiền điện cao, diện tích kho lạnh hạn chế.

Không chỉ các doanh nghiệp nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang phải đối mặt tình trạng "phí chồng phí", chi số tiền lớn thực hiện 3 tại chỗ nhưng công nhân e ngại, không đến làm việc.

Chia sẻ trong Hội thảo trực tuyến về "Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19", bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Hải Nam Seafood cho biết trong 2 tuần áp dụng "3 tại chỗ", các yếu tố khách hàng, công nhân, hàng hóa đều rối loạn.

Doanh nghiệp đã xây dựng thêm khu vực sinh hoạt cho công nhân nhưng không ai muốn đến làm việc vì lo lắng xuất hiện F0 như một số công ty khác.

Bà Sắc kiến nghị: "Cần có cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ quản lý y tế tại chỗ. Chúng tôi có thể mua hàng nghìnn kit xét nghiệm nhanh để tự kiểm tra công nhân. Nếu doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm cũng là cách chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, giảm tải với lực lượng y tế".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh