|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn cho ngành thủy sản những tháng cuối năm

17:16 | 12/12/2016
Chia sẻ
Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến hết tháng 10 năm nay tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất nguyên liệu cùng với áp lực rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu lớn khiến xuất khẩu thủy sản chưa thể bứt phá.

Rào cản thương mại

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), những nước nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đang chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh nhất với hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 14%, Thái Lan tăng 11%. Với thị trường được kỳ vọng nhiều là liên minh Kinh tế Á - Âu, kim ngạch cũng chỉ đạt 51,87 triệu USD.

VASEP lo ngại ngành thủy sản sẽ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; và với sự thất thường của thị trường này, xuất khẩu thủy sản khó để phát triển ổn định.

Vào tháng 9 năm nay, VASEP đã có công văn báo cáo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, VASEP phản tình trạng nhiều thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc đặt hàng và thu mua cá tra cỡ lớn (loại >1kg/con) gây nên tình trạng thừa cá tra cỡ lớn và làm giảm mạnh giá cá tra nguyên liệu trong quý II/2016.

Cũng mới đây, tại buổi đối thoại “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam” được tổ chức bởi VASEP, các doanh nghiệp rất bức xúc trước việc một số thương lái Trung Quốc phá giá ngành tôm trong thời gian qua. Thương lái đã tới Đồng bằng Sông Cửu Long mua tôm khi thị trường khan hiếm, nâng giá tôm và không biết thu mua tới kì hạn nào. Bởi vậy, các nhà máy trong nước phải bắt buộc mua giá cao cho nông dân theo giá thị trường nhưng điều này làm tăng giá thành sản phẩm khiến một số thị trường từ chối nhập khẩu.

Không chỉ vậy, thương lái Trung Quốc khi thu mua tôm thường không kiểm soát và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến nông dân không quan tấm đến khâu này, đây là một khó khăn cho ngành tôm.

kho khan cho nganh thuy san nhung thang cuoi nam
VASEP lo ngại ngành thủy sản sẽ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (Nguồn: Infonet)

Ngoài tình trạng thu mua thất thường của Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang gặp nhiều trở ngại bởi rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu, như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trước đó, theo thông báo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thì từ ngày 5/9 đến cuối tháng 12 năm nay, Hàn Quốc áp dụng kiểm tra 10% lô hàng đối với hoạt chất Nitrofurans thay vì chỉ với chất Ethoxyquin như trước đây.

Tương tự, danh mục các loại kháng sinh bị Nhật Bản áp dụng kiểm tra cũng tăng kiểm tra thêm 4 loại kháng sinh. Để đáp ứng sự gia tăng kiểm tra của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tăng cường kiểm tra sản phẩm trước khi xuất đi, đồng nghĩa với gia tăng chi phí, trong khi giá thành đã rất cao.

Với mặt hàng cá tra, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay của sản phẩm này chỉ đạt giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1,5 tỷ USD. Lý do cơ bản là, cá tra vẫn phải cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản thịt trắng khác.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 23% và 76% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên theo Đạo luật Farm Bill 2014, từ năm 2016, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, Mỹ cũng sẽ kiểm soát cả các vùng nuôi cá tra của Việt Nam.

Việc truy xuất nguồn gốc sẽ khiến ngành nuôi cá tra Việt Nam mất một thời gian chấn chỉnh lại quy trình và hạ tầng. Từ 1/9/2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ phải được dán nhãn xuất xứ nơi nuôi trồng, xây dựng kế hoạch thú y thủy sản quốc gia và đặc biệt phải là quốc gia được Mỹ công nhận được phép xuất khẩu thực phẩm thịt vào nước này.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh. Việc phải chờ kết quả kiểm tra không chỉ khiến chi phí lưu kho, lưu bãi tăng lên mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này.

Mặt khác, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, Việt Nam phải tuân thủ nhiều nguyên tắc thương mại. Chẳng hạn, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ buộc việc kiểm soát chất lượng, môi trường và dịch bệnh trở nên khắt khe hơn nhiều. Sản phẩm sẽ phải đáp ứng được nhiều yêu cầu chứng nhận như ASC, GlobalGAP... Trong bối cảnh đó, VASEP cho biết, khả năng nguyên liệu cá tra thiếu khoảng 40% sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này suy giảm.

Khó khăn trong nước

Theo VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang lo lắng có thể từ nay đến đến hết tháng 2 năm tới, lượng cá tra nuôi tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Nguyên nhân là diện tích nuôi cá tra giảm dù sản lượng thu hoạch vẫn tăng.

Bên cạnh đó, thiếu nguồn cá giống nuôi cũng gây nên tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu. Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm nay, tổng diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL còn hơn 5.100 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay, diễn biến thời tiết bất lợi khiến sản xuất của ngành gặp khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm nên lợi nhuận của toàn ngành không cao.

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung khiến việc mua bán thu gom thủy hải sản ảnh hưởng nhiều và các doanh nghiệp chỉ có thể đạt 60% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Cục nhận định, thời gian tới, tình hình mưa bão nhiều có thể còn đe dọa đến các vùng nguyên liệu ở miền Trung và miền Bắc. Khả năng Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, Cục cũng cho biết, để tăng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn thì Việt Nam cần phải siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm, xóa bỏ tình trạng lạm dụng kháng sinh, tích cực đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong giai đoạn mới.

Hồng Vũ